Ông Ánh cho rằng cần thay đổi tư duy, nhận thức về nhà ở xã hội, thậm chí cần “làm lại từ đầu”. Bởi việc phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện đang tồn tại một số vấn đề, dẫn đến không thể đạt được mục tiêu như mong muốn.
NÊN TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI CHO THUÊ
Một là, chưa thiết kế trên tư duy cho thuê. Kinh nghiệm ở Đức là chỉ hỗ trợ người thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà. Việt Nam cũng cần quy định đối với nhà ở xã hội là 100% để cho thuê (hiện chúng ta chỉ cho phép 20% cho thuê).
Hai là, chúng ta chưa có thống kê đối tượng mua nhà ở xã hội: bán nhà cho ai? Thu nhập thực tế của họ bao nhiêu? Phân phối thu nhập và khả năng chi trả của họ như thế nào?
“Tôi cho rằng nếu không nghiên cứu kỹ, chúng ta dễ gặp hệ lụy, bán không đến được đúng đối tượng, đối tượng không có khả năng mua, nếu để họ mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập phải để trả các khoản vay mua nhà. Rủi ro nữa là bán nhà sai đối tượng. Tôi không ngạc nhiên với việc người đi ô tô mua nhà ở xã hội, vì họ mới là người có tiền để mua”, ông Ánh nói.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bày tỏ: “Quan điểm của Đảng và Nhà nước là làm sao người dân đều có nhà ở, tuy nhiên tâm lý của đại bộ phận người Việt Nam đều muốn sở hữu nhà riêng. Do đó, tôi cho rằng nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tôi nghĩ nên theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán do sẽ khó đảm bảo nhu cầu bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn”.
“Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính của đất nước này. Việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng, trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở”, ông Hà khẳng định.
QUY ĐỊNH CÒN NHIỀU PHỨC TẠP
Trong khi đó, từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng, cho rằng số dự án nhà ở xã hội được hoàn thiện đang rất thấp so với mục tiêu đề ra. Vấn đề cốt lõi là những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp.
“Khoảng 2 năm trước, chúng tôi đã làm với chủ đầu tư nhà ở xã hội, dự án đã có giấy phép đầu tư nhưng đến đầu năm nay mới giải quyết được tạm xong thủ tục về xây dựng nhà ở xã hội để có thể triển khai. Bên cạnh đó, có những dự án quy mô 4-5 ngàn căn nhưng thị trường không hấp thụ được do người dân không đủ điều kiện thụ hưởng mua nhà ở xã hội, điều này sẽ dẫn đến tắc nghẽn”, ông Hải nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hiện nay, cả nước đã có hơn 400 dự án nhà ở xã hội, trong đó 71 dự án hoàn thành, cung cấp 38.000 căn, 127 dự án đã khởi công, nhiều dự án đã chấp thuận chủ đầu tư. Năm 2024, dự kiến có 108 dự án sẽ hoàn thành, cung cấp 148.000 căn nhà ở xã hội. Có thể nói đây là điểm nhấn quan trọng của lượng cung.
Điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cũng đang rộng mở hơn. Không cần thường trú, có nhà ở quê nhưng sinh sống ở thành phố vẫn được mua. Chưa kể, cho phép Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia từ phía cung. Đây là bên nắm chắc phía cầu, nên tôi hy vọng sẽ đem lại những đóng góp tích cực. Chưa kể, Việt Nam cũng tiếp tục cải thiện thu nhập lao động.
Vấn đề là Ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển nhà ở xã hội phải như thế nào để hài hòa giữa các bên. Bên cạnh đó, cơ chế phân phối nhà ở xã hội cũng phải xác định triển khai như thế nào để tránh tình trạng “đi ô tô mua nhà ở xã hội”.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/khong-ngac-nhien-khi-nhieu-nguoi-mua-nha-o-xa-hoi-di-o-to.htm