Theo thông tin từ Sở Tài chính thành phố Huế, qua rà soát bước đầu, đoạn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua địa bàn thành phố có hơn 8.100 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 900 hộ thuộc diện phải di dời, tái định cư. Tổng diện tích đất cần thu hồi trên địa bàn để thực hiện dự án khoảng 825 ha.
Để đáp ứng nhu cầu bố trí tái định cư cho các hộ dân này, thành phố Huế dự kiến xây dựng 22 khu tái định cư và 6 khu nghĩa trang tại nhiều xã, phường khác nhau. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát cụ thể các vị trí và điều kiện hạ tầng để triển khai xây dựng đồng bộ, đúng tiến độ.
Tại cuộc họp giao ban ngày 9/7 với các sở, ngành và chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương đã nhấn mạnh yêu cầu triển khai khẩn trương các khu tái định cư nhằm đảm bảo sẵn sàng mặt bằng phục vụ dự án trọng điểm quốc gia này. “Việc xây dựng các khu tái định cư phải được tiến hành đồng bộ, đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp quy hoạch, đồng thời phục vụ lâu dài cho nhu cầu phát triển đô thị và ổn định đời sống người dân,” ông Phương nhấn mạnh.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số khu tái định cư tại thành phố Huế sẽ được khởi công từ ngày 19/8 tới đây. Thành phố đang huy động các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cần thiết để kịp tiến độ. Mục tiêu mà UBND thành phố đặt ra là hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước cuối năm 2026.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính còn 15 địa phương). Dự án có quy mô gồm 23 ga, trong đó có 5 ga hàng hóa, với tổng nhu cầu sử dụng đất sơ bộ lên đến 10.827 ha. Số hộ dân dự kiến phải di dời, tái định cư trên toàn tuyến là khoảng 120.836 hộ.
Riêng tại thành phố Huế, đoạn tuyến dự kiến đi qua nhiều khu vực trọng yếu. Ở phía Bắc, tuyến đi giữa ranh giới Khu công nghiệp Phong Điền hiện hữu và quy hoạch mở rộng khu công nghiệp này. Sau đó, tuyến vượt sông Hương, đi qua trung tâm thành phố và khu vực phía Đông Nam. Ga Huế sẽ được đặt tại phường Mỹ Thượng (trước đây là xã Phú Mỹ). Tuyến đường tiếp tục đi qua khu vực đầm Cầu Hai, vượt Quốc lộ 49B, đi vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, rồi rẽ phải vượt Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt hiện hữu để qua đèo Hải Vân sang địa phận thành phố Đà Nẵng.
Với lộ trình này, thành phố Huế xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc chuẩn bị mặt bằng thi công. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện song song với việc đảm bảo ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo thành phố, quá trình xây dựng các khu tái định cư không chỉ phục vụ dự án trọng điểm quốc gia mà còn là cơ hội để thành phố Huế quy hoạch lại quỹ đất, phát triển các khu dân cư mới với hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Tinh thần chỉ đạo chung là triển khai công việc một cách khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả bền vững.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/hue-trien-khai-22-khu-tai-dinh-cu-phuc-vu-du-an-duong-sat-toc-do-cao.htm