Ngày 12/12/2024, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg (ngày 08/12/2023) của Thủ tướng Chính phủ.
THỰC HIỆN 05 ĐỘT PHÁ
Theo đó, đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy…
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh sẽ thực hiện 5 đột phá chiến lược để phát triển: Một tâm – Hai tuyến – Ba thành – Bốn trụ – Năm nhiệm vụ.
Cụ thể, Một tâm (một trung tâm): đó là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.
Hai tuyến (Hai tuyến hành lang kinh tế động lực): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Ba thành (Ba trung tâm đô thị): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Bốn trụ (Bốn trụ cột kinh tế): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
4 VÙNG, 2 HÀNH LANG KINH TẾ
Hậu Giang sẽ phân thành 04 vùng kinh tế – xã hội, gồm: Vùng Trung tâm gồm thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, trong đó thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Vùng Đô thị – Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, là vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Công nghiệp, đô thị, logistics và du lịch.
Vùng Công nghiệp – Du lịch sinh thái gồm thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái.
Vùng Đô thị – Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội: Phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đô thị và du lịch.
Hành lang kinh tế được xác định theo các tuyến cao tốc: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Cần Thơ – Cà Mau. Tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội: Công nghiệp, đô thị và logistics.
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh sẽ phát triển bền vững trên cả 03 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến…
Tỉnh cũng sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Theo ông Thành, đầu tư là giải pháp tối quan trọng. Tuy nhiên, cần phải phân bố và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển để thay đổi. Trong đó, phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự phát triển tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững. Cụ thể, sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và kết nối với TP.HCM, cũng như các tỉnh Đông Nam bộ là việc tỉnh cũng rất chú trọng và không thể thiếu… khi phát triển địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cho rằng Hậu Giang có nhiều lợi thế để phát triển khi tỉnh có vị trí là nơi giao thoa của 3 dự án cao tốc lớn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có sản lượng nông sản lớn của vùng, lợi thế khi giá nông sản tăng cao.
Đồng thời, quá trình triển khai phải bảo đảm tuân thủ quy hoạch nhưng không cứng nhắc, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch khác; tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức khi triển khai công trình, dự án cụ thể…
Phó Thủ tướng tái khẳng định chủ trương của Chính phủ tới đây sẽ phân cấp rất mạnh cho các địa phương để phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở còn Trung ương sẽ tập trung làm chính sách và kiểm tra giám sát.