Ngày 18/7, thông tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết thành phố này sẽ xem xét giãn thời gian thực hiện một số dự án sửa chữa, cải tạo hạ tầng giao thông từ giai đoạn 2021-2025 sang giai đoạn 2024-2027 do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án này.
Theo đó, các dự án phải xem xét giãn thời gian thực hiện gồm dự án tuyến đường nối quốc lộ 5 với quốc lộ 10 (đoạn qua địa bàn quận Kiến An), dự án hầm chui tại nút giao đường Lê Hồng Phong – Bùi Viện (quận Hải An), dự án mương thoát nước, dải cây xanh cách ly giữa tổ hợp ô tô Vinfast với khu dân cư (huyện Cát Hải) và dự án xây mới cầu Vàng 1 (huyện An Lão).
DỜI THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN DO CHƯA BỐ TRÍ ĐƯỢC VỐN
Dự án tuyến đường nối quốc lộ 5 – quốc lộ 10 thuộc nhóm giải pháp phát triển hạ tầng giao thông và chống ùn tắc trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2030 đã được HĐND TP. Hải Phòng khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 14. Theo đó, dự án được triển khai trong giai đoạn 2021-2024 với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng từ ngân sách TP. Hải Phòng và nguồn xã hội hoá.
Mục tiêu của dự án nhằm tạo ra tuyến đường giao thông mới có chiều dài 15 km, quy mô đường cấp II đồng bằng với tốc độ thiết kế 100 km/h nhằm kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng với Cảng Hải Phòng, kết nối, giảm tải cho quốc lộ 5 và quốc lộ 10. Tuyến đường được quy hoạch đi qua địa bàn các quận, huyện An Dương, Kiến An, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo với các điểm đấu giao với quốc lộ 5 (đoạn qua địa bàn xã Bắc Sơn, huyện An Dương), điểm giao tại quốc 10 (đoạn qua địa bàn xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo).
Nghị quyết của HĐND TP. Hải Phòng xác định dự án phải được thực hiện và hoàn thành giai đoạn 2021-2024. Tuy nhiên, đến nay, mới có phân đoạn hơn 8,1km, đoạn đấu nối từ quốc lộ 10 qua địa bàn các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng được triển khai. Từ năm 2022, do xác định việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gặp khó, đoạn tuyến đường nối quốc lộ 5 với quốc lộ 10 qua địa bàn quận Kiến An phải lùi thời gian thực hiện sang giai đoạn 2026-2030.
Nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, Hải Phòng đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 xây dựng loạt các nút giao thông khác mức giữa đường World Bank (đoạn tuyến Nguyễn Trường Tộ) với quốc lộ 10 (trên địa bàn huyện An Dương), đường World Bank (đoạn tuyến Bùi Viện) với đường Võ Nguyên Giáp (trên địa bàn quận Lê Chân) và nút giao với đường Lê Hồng Phong (quận Hải An).
Theo UBND quận Hải An, đường Bùi Viện, tuyến đường vận tải container chính từ các cảng Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc giao nhau với đường Lê Hồng Phòng (tuyến đường ra vào Cảng hàng không sân bay quốc tế Cát Bi, cũng là tuyến giao thông chính của quận Hải An với khu vực nội đô Hải Phòng) ngày càng trở nên chật chội. Nút giao này thường xảy ra tình trạng ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cần sớm được bố trí vốn để xây dựng hầm chui.
UBND TP. Hải Phòng cho rằng mặc dù đã có chủ trương xây dựng nút giao khác mức giữa đường Bùi Viện với đường Lê Hồng Phong nhưng do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khó khăn, Hải Phòng đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm khác nên việc đầu tư, xây dựng dự án này sẽ được thành phố Hải Phòng xem xét thực hiện trong giai đoạn phù hợp.
ĐỀ XUẤT PHÂN CẤP ĐẦU TƯ CHO CẤP HUYỆN
Từ năm 2016, UBND TP. Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch đảo Cát Hải, trong đó, Hải Phòng sẽ xây dựng tuyến đường, mương thoát nước, dải cây xanh từ tuyến đường Tân Vũ – Lạch Huyện đến đê biển Hoàng Châu tại khu vực giáp ranh giữa dự án tổ hợp ô tô Vinfast với khu tái định cư trên đảo để cách ly khu dân cư với cơ sở sản xuất.
Theo báo cáo ngày 19/4/2023 của UBND huyện Cát Hải, việc xây dựng tuyến mương thoát nước cùng hạ tầng đồng bộ giao thông, cây xanh còn đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực đảo Cát Hải. Tổng mức đầu tư theo đề xuất của UBND huyện Cát Hải là hơn 269 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hải Phòng.
UBND TP. Hải Phòng xác định do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khó khăn, nên thành phố này đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư cho dự án này. Thành phố Hải Phòng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ kế hoạch, khả năng cân đối vốn đầu tư công để đề xuất UBND thành phố xem xét, thực hiện dự án vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, giao UBND huyện Cát Hải chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư công để triển khai dự án trong thời gian tới.
Năm 2021, Sở Giao thông vận tải TP. Hải Phòng lập đề xuất đầu tư xây dựng lại cầu Vàng 1 trên tỉnh lộ 360 (thị trấn An Lão, huyện An Lão) nối với quốc lộ 10 vì cây cầu cũ quá hẹp đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông. Theo đề xuất của sở Giao thông vận tải, đây là dự án công trình kết nối giao thông giữa các khu vực trên địa bàn các quận huyện, sử dụng vốn đầu tư công thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hải Phòng, sau khi rà soát danh mục các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025, do nguồn vốn đầu tư trung hạn khó khăn, căn cứ khả năng cân đối nhu cầu vốn của thành phố Hải Phòng, sở này đề nghị chưa xem xét thực hiện đầu tư cầu Vàng 1 trong giai đoạn này. UBND TP. Hải Phòng đã đồng ý với đề xuất chưa xem xét thực hiện đầu tư cầu Vàng 1 trong giai đoạn 2021- 2025.
Để giải quyết khó khăn về vốn, đảm bảo an toàn giao thông, tháng 3/2024, huyện An Lão có văn bản đề nghị UBND TP. Hải Phòng giao cho huyện này được triển khai đầu tư xây dựng cầu Vàng 1 từ nguồn vốn đầu tư công của huyện và nguồn vốn hỗ trợ của thành phố, thời gian thực hiện dự án dự kiến trong giai đoạn 2024-2027. Thành phố Hải Phòng đồng ý giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn đầu tư các hạng mục giao thông kết nối trên địa bàn huyện An Lão.
Từ năm 2020, Hải Phòng đã có nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng giao thông và chống ùn tắc giao thông đến năm 2030, định hướng sau năm 2030. Theo đó, Hải Phòng sẽ xây dựng kế cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi hệ thống cảng biển với các khu công nghiệp, kết nối Hải Phòng với các tỉnh thành và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa và đường hàng không với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 151.441 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2020-2025 sẽ bố trí khoảng hơn 104.747 tỷ đồng với cơ cấu hơn 45% từ nguồn vốn ngân sách thành phố, 51,67% nguồn vốn xã hội hoá, 2,8% nguồn ngân sách Trung ương. Giai đoạn 2026-2030 sẽ huy động, sử dụng hơn 46.694 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách thành phố 32,96%, xã hội hoá 67,02%, nguồn ngân sách Trung ương 0,02%.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/hai-phong-gian-tien-do-4-du-an-ha-tang-giao-thong-do-chua-bo-tri-duoc-nguon-von-dau-tu-cong.htm