UBND tỉnh Hà Nam vừa phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, quan điểm phát triển đô thị của tỉnh là phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050; các định hướng chiến lược phát triển đô thị của tỉnh và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam. Đồng thời, đồng bộ theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế hình thành các động lực phát triển kinh tế – xã hội; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực; tạo sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các khu vực, có trọng tâm, trọng điểm…
Về chỉ tiêu cụ thể, Hà Nam phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 sẽ trên 50%, đến năm 2030 trên 60%, đến năm 2050 trên 70%. Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến có 14 đô thị; giai đoạn 2026 – 2030 có 9 đô thị.
Theo UBDN tỉnh, Hà Nam sẽ điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập hàng loạt đô thị mới. Cụ thể là mở rộng phạm vi nội thành TP.Phủ Lý trong giai đoạn 2021- 2025 và 2026-2030; mở rộng phạm vi nội thị, thành lập TP.Duy Tiên trong giai đoạn 2026-2030.
Thành lập thị xã Kim Bảng và thành lập các phường thuộc thị xã trước năm 2025, mở rộng phạm vi nội thị thị xã Kim Bảng trong giai đoạn 2026-2030. Mở rộng thị trấn Bình Mỹ theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2026-2030.
Thành lập các thị trấn tại thời điểm thích hợp khi đảm bảo những điều kiện cần thiết (Chợ Sông, Tiêu Động, An Lão – huyện Bình Lục; Phố Cà – huyện Thanh Liêm; Nhân Mỹ, Hòa Hậu – huyện Lý Nhân). Đồng thời, hướng tới thành lập thị xã Thanh Liêm, thị xã Lý Nhân.
Tầm nhìn đến năm 2050 thành lập TP.Hà Nam.
Trong quá trình triển khai Chương trình phát triển đô thị, Hà Nam sẽ ưu tiên các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và dự án khác đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh được phê duyệt; dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên và dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh để thực hiện phương án phát triển đô thị của tỉnh; các dự án thực hiện Chương trình, Đề án trọng tâm phát triển bền vững đô thị.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2024 – 2030 khoảng 254.648 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2024 – 2025 là 46.484 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 208.164 tỷ đồng. Vốn thực hiện chương trình tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI); nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ha-nam-dieu-chinh-dia-gioi-hanh-chinh-va-thanh-lap-loat-do-thi-moi.htm