Đến nay, qua 6 tháng thực hiện Công điện số 02/CĐ-TTg, Bộ Xây dựng (giao nhiệm vụ cho Cục Kinh tế xây dựng) đã triển khai được những gì, thưa ông?
Ngày 5/7/2024, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 02/CĐ-TTg. Nhìn chung, qua rà soát, các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá hành lang pháp lý cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã cơ bản được ban hành đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, hạn chế được các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, ngày càng được đổi mới và hoàn thiện theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, phân định rõ quyền và trách nhiệm của các chủ thể, tạo sự chủ động và phát huy vai trò của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư.
Về công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức áp dụng chung, Bộ Xây dựng đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD (với khoảng 15.700 định mức xây dựng, bao quát các công tác xây dựng, tư vấn xây dựng thuộc 5 loại hình công trình xây dựng). Trong đó, đã sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung khoảng 219 định mức xây dựng, do thiếu định mức hoặc định mức ban hành còn bất cập…
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về định mức công trình giao thông, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã tích cực làm việc về danh mục các định mức dự toán xây dựng còn thiếu hoặc bất cập theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (khoảng 547 định mức, gồm: 315 định mức công trình đường bộ; 178 định mức công trình đường sắt và 54 định mức công trình hàng không) để phân định rõ phạm vi, trách nhiệm làm cơ sở tổ chức rà soát theo quy định. Trong đó, một số định mức dự toán đã được Bộ Xây dựng rà soát, đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD hiện đang gửi xin ý kiến.
Đối với một số định mức có nhiều bất cập (theo phản ánh của các chủ đầu tư, nhà thầu) nhưng chưa có đủ dữ liệu để xem xét, điều chỉnh trong dự thảo Thông tư gửi lấy ý kiến, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, lần đầu tiên, 2 Bộ đã thành lập Đoàn công tác liên Bộ gồm đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và các cơ quan chuyên môn về nghiên cứu, lập định mức của 2 Bộ là Viện Kinh tế xây dựng, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải để trực tiếp khảo sát thu thập số liệu, bổ sung dữ liệu phục vụ công tác rà soát điều chỉnh, bổ sung định mức dự toán một số công tác xây dựng công trình giao thông tại một số dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thi công.
Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, số liệu để xây dựng, điều chỉnh 16 định mức thuộc các nhóm 5 công tác: rải thảm mặt đường bê tông nhựa; thi công móng cấp phối đá dăm; đào đá cấp IV bằng máy đào; đắp đá nền đường; Công tác đắp đất nền đường K95, K98 bằng lu rung 25T. Đây là các nhóm công tác mà các đơn vị, nhà thầu thi công có nhiều ý kiến, đề nghị xem xét điều chỉnh trong thời gian qua.
Đoàn công tác cũng giải quyết các vướng mắc phát sinh thực tế trong quá trình triển khai thực hiện và chuẩn xác các biểu mẫu, hướng dẫn khảo sát, làm cơ sở thống nhất để chủ đầu tư các dự án còn lại triển khai khảo sát đại trà phục vụ công tác rà soát, điều chỉnh định mức thuộc lĩnh vực giao thông vận tải…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã chủ động gửi 2 văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh và Ban Quản lý dự án các dự án giao thông của Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng hợp, cung cấp một số số liệu thi công cần thiết của các công tác nêu trên tại các gói thầu đã và đang thi công để bổ sung thêm nguồn thông tin, dữ liệu làm cơ sở tính toán, xác định hao phí định mức.
Bộ Xây dựng đã nhanh chóng nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động nhận diện rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp tháo gỡ, thống nhất kế hoạch tổ chức thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền một cách khoa học, sát thực tiễn.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các nội dung bất cập trong hệ thống định mức xây dựng sử dụng chung theo các nội dung phản ánh nhận được.
Tuy nhiên, nhiều nhà thầu ở không ít dự án lớn vẫn phản ánh đang bị vướng mắc liên quan đến quy định về “áp dụng hệ thống định mức được ban hành để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng” theo Luật Xây dựng; và vướng mắc liên quan đến các quy định về quản lý định mức xây dựng được quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Trách nhiệm (để xảy ra vướng mắc) thuộc về đâu, thưa ông?
Cơ chế “áp dụng định mức đối với các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công” quy định tại Luật số 62/2020/QH14 nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí. Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định, hướng dẫn cụ thể về phân cấp, giao trách nhiệm cho các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh được chủ động tổ chức xây dựng, điều chỉnh và ban hành định mức xây dựng cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương, giao thẩm quyền, trách nhiệm cho chủ đầu tư trong việc xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh để áp dụng cho công trình. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn các phương pháp xác định định mức để các chủ thể thuận tiện trong triển khai thực hiện
Theo đánh giá của Cục Kinh tế xây dựng, nguyên nhân cơ bản của khó khăn, vướng mắc này là do một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa nhận thức rõ trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định nên chưa chủ động nhận diện, nắm bắt và tổ chức xây dựng các định mức mới hoặc định mức cần điều chỉnh để áp dụng cho công trình, dự án thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn xác định định mức xây dựng của các tổ chức tư vấn, chủ đầu tư còn hạn chế, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong khâu hậu kiểm nên chưa thực hiện tổ chức xây dựng định mức đúng quy định.
Đối với vướng mắc liên quan đến việc cần phân định rõ hơn phạm vi, trách nhiệm quản lý định mức xây dựng tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Bộ Xây dựng, bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các địa phương, thì Khoản 5 Điều 20 Nghị định này đã quy định về tiêu chí xác định định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành của địa phương để làm cơ sở cho các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh xác định phạm vi, nội dung các định mức dự toán đặc thù thuộc thẩm quyển, trách nhiệm tổ chức xây dựng.
Đây là vướng mắc mới phát sinh trong quá trình xây dựng định mức dự toán của một số công tác đặc thù chuyên ngành giao thông, do trong giai đoạn hiện nay, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đang triển khai đồng loạt, khối lượng công việc lớn, một số công tác xây dựng có sự giao thoa giữa các chuyên ngành nhưng lại chưa có định mức. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để rà soát, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung hướng dẫn làm rõ hơn các quy định về phạm vi, trách nhiệm và công tác phối hợp trong việc tổ chức xây dựng các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương để các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh xác định rõ phạm vi, trách nhiệm trong công tác xây dựng, ban hành định mức thuộc thẩm quyền làm cơ sở rà soát cập nhật, bổ sung các định mức còn thiếu, hoặc còn bất cập nhằm hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng phục vụ hiệu quả công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, cũng theo phản ánh của các nhà thầu, mặc dù việc ban hành, công bố định mức, giá xây dựng đã được phân cấp cho các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các địa phương, song thực tế, việc ban hành còn chậm và nhiều định mức vẫn còn bất cập. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Trong giai đoạn vừa qua, nhìn chung, hầu hết các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh đều đã tổ chức xây dựng và ban hành định mức đặc thù đúng quy định; các địa phương đã ban hành đầy đủ các bộ đơn giá xây dựng; đã thực hiện xác định và công bố các thông tin về giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng cơ bản đúng quy định về danh mục, thời gian và tần suất công bố. Tuy nhiên, trên cơ sở các phản ánh nhận được, hệ thống định mức, giá xây dựng vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Về định mức xây dựng còn thiếu định mức dự toán mới hoặc một số định mức ban hành còn bất cập. Về giá xây dựng còn chậm công bố chỉ số giá, giá xây dựng theo tần suất quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, đặc biệt là trong giai đoạn biến động giá; chưa công bố chỉ số giá xây dựng cho một số loại hình công trình đặc thù, chưa công bố đầy đủ, đúng theo phương pháp, nguồn dữ liệu quy định, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc xác lập, quản lý chi phí và thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng.
Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, phải khẳng định đây là lĩnh vực đặc thù, định mức luôn đi sau sự xuất hiện của các công nghệ mới, vật liệu mới. Để ban hành được bộ định mức xây dựng đúng, đủ thì cần nhiều thời gian khảo sát, đánh giá, xác định hao phí định mức trong các điều kiện, trường hợp để đảm bảo tính bình quân tiên tiến… Trong khi đó, trên thị trường xây dựng hiện nay, xuất hiện nhiều loại vật liệu, công nghệ xây dựng, biện pháp thi công xây dựng mới, chưa có cơ sở để tham khảo, đối chiếu, xây dựng định mức.
Thứ hai, năng lực chuyên môn xác định định mức xây dựng của các tổ chức tư vấn, chủ đầu tư còn hạn chế.
Thứ ba, một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa nhận thức rõ trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định nên chưa chủ động nhận diện, nắm bắt và tổ chức xây dựng định mức
Thứ tư, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm nên chưa thực hiện tổ chức xây dựng định mức đúng quy định.
Phải làm thế nào để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn các nội dung, phương pháp xác định định mức mới, rà soát, cập nhật định mức đặc thù của chuyên ngành, địa phương. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện thêm hướng dẫn làm rõ hơn các quy định về biểu mẫu, hướng dẫn các nội dung khảo sát, xác định định mức xây dựng cho một số trường hợp điển hình để thuận tiện cho các chủ thể áp dụng trong việc tổ chức xác định định mức xây dựng. Nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện phương pháp xác định giá nhân công và kiện toàn công tác tổng hợp số liệu, dữ liệu chi phí phục vụ xây dựng và bổ sung các dữ liệu về suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá tổng hợp; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá tổng hợp các bộ phận kết cấu công trình. Trong đó, tập trung vào những công trình giao thông trọng điểm, công trình đặc thù, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, dần dần thay thế cho công cụ định mức xây dựng, đơn giá chi tiết.
Đối với các địa phương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thực hiện công bố kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định của pháp luật đối với giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy và chỉ số giá xây dựng. Tại các địa phương có các dự án công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, Sở Xây dựng các tỉnh cần chủ động, phối hợp với chủ đầu tư, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy thi công và chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh, bổ sung công bố kịp thời; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc theo thẩm quyền khi chủ đầu tư có yêu cầu…
VnEconomy 19/07/2024 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây;
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/go-vuong-ve-dinh-muc-don-gia-xay-dung.htm