Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh điều này tại tọa đàm: “Luật Đất đai 2024: nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam” diễn ra chiều ngày 31/1/2024 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
31 TRƯỜNG HỢP NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều điểm mới quan trọng chính là nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam.
Luật Đất đai được kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc pháp lý, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án; góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, bền vững. Các quy định của Luật sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đến thị trường bất động sản trong tương lai, ông Bình nói.
Nhấn mạnh những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và tác động tới thị trường, ông Bình cho biết, Luật đã quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79). Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này phải là các dự án: xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách….
Với 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát các trường hợp cần thiết phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, khoản 27 quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn. Đây là quy định liên quan trực tiếp đến sự phát triển của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, để bảo đảm cho trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của Luật này, tại khoản 32 Điều 79 đã quy định trường hợp khác thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tại Điều 87 Luật Đất đai cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương.
Luật Đất đai được kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc pháp lý, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và dự án; giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, bền vững.
Tại Điều 91 của Luật đã xác định các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó có nguyên tắc: Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc nhà ở. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể (điểm e khoản 1 Điều 160).
Đối với quyền tiếp cận đất đai của các dự án bất động sản, Luật Đất đai có các quy định về các trường hợp: “giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” (Điều 125) đối với “đất sạch” do Nhà nước tạo lập; hoặc “giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” (Điều 126) đối với “đất chưa giải phóng mặt bằng” mà nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có quy định trường hợp đấu thầu đối với dự án quy định tại khoản 27 Điều 79 mà được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư bất động sản được tiếp cận đất đai thông quy định về chuyển mục đích sử dụng đất khi có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác nếu đủ điều kiện tự thực hiện dự án, phù hợp với quy hoạch (khoản 3 Điều 122, khoản 6 Điều 127); thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở (điểm b khoản 1 Điều 127)…
BẢNG GIÁ ĐẤT ĐƯỢC XÂY DỰNG HẰNG NĂM
Để hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất, ông Bình cho biết, Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất.
Luật quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 01/01 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất.
Đồng thời, quy định rõ UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất đối với các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết;
Đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì UBND cấp có thẩm quyền phải ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất.
Bổ sung quy định tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo.
Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn. Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 05 năm trước đó.
Phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Cũng theo ông Bình, Luật đã quy định cụ thể các phương pháp định giá đất gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác 4 phương pháp trên sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định trường hợp, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong Bảng giá đất.
Ngoài ra, Luật bỏ quy định về Chính phủ ban hành Khung giá đất, giao thẩm quyền cho các địa phương ban hành Bảng giá đất. Mở rộng các trường hợp áp dụng Bảng giá đất để đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đối với một số trường hợp phải xác định giá đất. Phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
7 vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi):
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Về thu hồi; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
Tài chính về đất đai, giá đất
Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về đất đai
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/go-nhung-diem-nghen-chinh-sach-dat-dai-tao-nguon-luc-moi-thuc-day-phat-trien.htm