Ngày 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
ĐÓNG GÓP THỰC CHẤT CHO CHUYỂN ĐỔI XANH, CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẤT NƯỚC
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo; đóng góp thực chất cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của đất nước.
Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm trình Chính phủ trong tháng 2/2024.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, có 450/705 đơn vị hành chính cấp huyện đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác, sử dụng.
Có 63/63 tỉnh, thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”.
Toàn quốc đã đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã; 34/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với hệ thống Một cửa điện tử của địa phương.
Trong lĩnh vực khoáng sản, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các địa phương đã phê duyệt 190 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tổ chức thành công các phiên đấu giá thuộc thẩm quyền, đảm bảo tính công khai, minh bạch, lựa chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị tham gia vào hoạt động khoáng sản.
Nguồn thu từ hoạt động khoáng sản đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp 39.408 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước. Đối với tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước với số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Ngành tiếp tục triển khai xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, phối hợp với địa phương tập trung xử lý ô nhiễm môi trường; đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%…
Ngành đã chủ động bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu; trình Thủ tướng phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập 26 quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).
Thực hiện Tuyên bố JETP, nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, ngành Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi…
Cùng với đó, ngành tổ chức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 cùng với Nhóm các đối tác quốc tế.
Bộ đã huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán chứng chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh; triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG CHO TƯƠNG LAI BỀN VỮNG
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường thường xuyên được quan tâm sửa đổi, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn, vẫn còn giao thoa chồng chéo với các ngành lĩnh vực khác. Khâu tổ chức thực hiện trên thực tế có lúc có nơi chưa nghiêm, còn nhiều sai phạm, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm về đất đai, khoáng sản.
Nguồn lực tài nguyên và môi trường đóng góp to lớn cho kinh tế xã hội của đất nước, từng địa phương nhưng vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác thanh kiểm tra dù đã được đổi mới và tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguồn lực trong ngành ở một số lĩnh vực còn thiếu và yếu, chưa có điều kiện củng cố nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc.
Toàn ngành tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, phát thải sẽ là rào cản đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm nhập vào các thị trường các nước phát triển, nhưng đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển theo xu thế của thời đại với hỗ trợ về công nghệ, nguồn vốn của các nước phát triển.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
Cụ thể, tập trung trình Quốc hội, Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp gần nhất; hoàn thành, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời có hiệu lực đồng thời với Luật.
Phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.
Cùng với đó, giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên; chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%.
Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Chuẩn hóa các quy trình điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục thiết yếu về đăng ký cấp giấy chứng nhận khi thực hiện các quyền; Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường: trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay chôn lấp…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/giai-quyet-can-ban-tinh-trang-lang-phi-dat-dai-tai-nguyen.htm