
“Bất động sản có liên quan mật thiết đến khoảng 40 ngành nghề khác trong nền kinh tế quốc dân, bao gồm: tài chính – tiền tệ, xây dựng, vật liệu xây dựng, du lịch, lao động…
Bởi vậy, khi ngành bất động sản tăng trưởng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia. Ước tính khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng (gồm bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở thương mại) tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng; ngành kinh doanh bất động sản, theo ISIC (Internatinal standard inductry classifcation – phân ngành kinh tế chuẩn của Liên hợp quốc, bao gồm các loại bất động sản do các công ty bất động sản xây dựng để bán), tăng 1 tỷ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỷ đồng và 0,12 tỷ đồng đến giá trị tăng thêm.
Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…
Ngoài ra, ngành bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng trong thu hút, gia tăng lao động. Nếu xét theo mức độ tăng của giá trị tăng thêm tương ứng với việc thu hút thêm được 1 lao động, thì đứng thứ nhất là ngành bất động sản xây nhà để bán, thứ hai là bất động sản công nghiệp, thứ ba là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thứ tư là bất động sản theo ISIC.
Về quy mô vốn, ước tính năm 2025, tỷ trọng bất động sản/ tổng tài sản toàn nền kinh tế là 21,2% (462,7 tỷ USD /2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232,29 tỷ USD/5.601,31 tỷ USD). Năm 2025, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản tính khoảng 1.249,8 nghìn tỷ đồng (53,84 tỷ USD), chiếm 9,72% GDP; năm 2030 ước đạt 3.428,7 nghìn tỷ đồng (147,71 tỷ USD), chiếm 13,6% GDP.
Như vậy, có thể thấy tính ổn định dài hạn của thị trường bất động sản liên quan trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Vì thế, chúng ta cần xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển nhanh và bền vững ngành bất động sản. Trong đó, thể chế và chính sách cần phát huy vai trò của thị trường này trong nền kinh tế số và thích ứng trước những chuyển biến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, cần phải có chiến lược về việc gắn kết giữa thị trường bất động sản, đô thị thông minh và kinh tế số. Cần xây dựng cơ chế, quy hoạch phát triển đồng bộ thị trường bất động sản với các lĩnh vực liên quan như: xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất lưu trú; giữa thị trường bất động sản với các thị trường tài chính, tín dụng, thị trường hàng hóa… Từ đó, tạo sự phát triển lan tỏa, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình hoạt động và phát triển từng ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Trong một quốc gia đất chật người đông như Việt Nam, Chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến thị trường này, nhất là cung – cầu và giá cả, như là một yếu tố phát triển con người và bình đẳng xã hội”.
“Chúng ta đang ở thời điểm khởi đầu năm 2025, toàn ngành kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng đang đứng trước cơ hội rất lớn, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những thách thức to.
Về cơ hội, chúng ta đang trong một giai đoạn mới nhờ những chính sách pháp luật mới. Thời gian vừa qua, những hàng lang luật mới đã được đưa vào thực tế như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… đã tháo gỡ rất nhiều trong việc đầu tư dự án bất động sản. Chính phủ, các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng những thông tư hướng dẫn, được tổ chức triển khai, tập huấn đến tất cả địa phương trên cả nước.
Các văn bản luật đã được đầy đủ, ban hành để Ủy ban Nhân dân các tỉnh triển khai thực hiện đã được hoàn chỉnh, hoàn thiện, đó là điều kiện thuận lợi, tạo ra cơ hội. Cùng với đó, việc phân cấp quản lý, trao quyền cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh trong phê duyệt và triển khai các dự án cấp 1, dự án dưới 300ha… cũng là một bước đi quan trọng, giúp giảm bớt thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ phát triển đô thị.
Các cơ quan đang tổ chức sắp xếp lại với tinh thần hiệu lực, hiệu quả cũng tạo ra cơ hội cho bất động sản. Sau khi tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan, thì thủ tục đầu tư một dự án bất động sản sẽ giảm đi rất nhiều. Đây chính là thuận lợi của các dự án bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, thị trường cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là giá bất động sản tăng cao, do nguồn cung hạn chế trong giai đoạn 2022-2024. Điều này đã đẩy giá nhà đất lên mức cao ngất, gây khó khăn cho người lao động trong việc tiếp cận nhà ở. Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn vay vẫn còn hạn chế, khi lãi suất cho vay và các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý rằng sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn vững chắc, khi mà các yếu tố toàn cầu như giá năng lượng, lạm phát và biến động tài chính quốc tế vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Năm 2025 được đánh giá là một năm bản lề, với nhiều chuyển biến quan trọng có thể giúp thị trường bất động sản phục hồi và bứt phá sau giai đoạn khó khăn. Sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự linh hoạt của các nhà đầu tư sẽ quyết định sự phát triển bền vững của thị trường trong tương lai”.
“Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông. Với mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, các dự án như cao tốc Bắc – Nam, cao tốc kết nối miền Đông và miền Tây Nam Bộ, cùng các tuyến đường kết nối khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên đang được triển khai mạnh mẽ. Dự kiến đến năm 2030, tổng chiều dài đường cao tốc của Việt Nam đạt 5.000 km, so với chỉ hơn 1.000 km vào năm 2020…
Sự bùng nổ của các dự án hạ tầng không chỉ tạo ra những thay đổi tích cực trước mắt mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam. Các khu vực ngoại ô và các tỉnh, thành phố lân cận được dự đoán sẽ trở thành điểm nóng thu hút đầu tư trong những năm tới. Các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến metro sẽ tạo ra những cơ hội mới không chỉ riêng cho thị trường bất động sản mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Hàng loạt dự án bất động sản lớn đang tận dụng sự phát triển của hạ tầng để tạo lợi thế cạnh tranh. Ví dụ như Vinhomes Long Beach Cần Giờ với diện tích 2.870 ha được xem là một trong những dự án bất động sản ven biển lớn nhất Việt Nam. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2025, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ kết nối giao thông thuận lợi từ TP.HCM. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp Xuân Quế – Sông Nhạn và Cam Liên hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng nhờ vị trí chiến lược gần các dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam và sân bay quốc tế Long Thành, giúp tăng cường kết nối giao thông, thu hút đầu tư quốc tế, đồng thời đáp ứng xu hướng phát triển bền vững với hạ tầng xanh hiện đại…
Năm 2024 được xem là cột mốc quan trọng trong sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, mở ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản. Trong tương lai, sự kết hợp giữa hạ tầng hiện đại và các dự án bất động sản chất lượng cao sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường khu vực và quốc tế. Các dự án như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc – Nam hay các tuyến metro tại TP.HCM và Hà Nội không chỉ là biểu tượng của sự phát triển mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bất động sản bền vững. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự quan tâm từ các nhà phát triển quốc tế, thị trường bất động sản Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo nên những bước đột phá mới trong tương lai”.
“Năm 2025, triển vọng kinh tế – xã hội Việt Nam có nhiều điểm sáng. Lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát; lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI có tốc độ tăng trưởng tích cực khi Việt Nam tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Cơ sở hạ tầng đang ngày càng được đầu tư và hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc. Đầu tư công và chi chính sách hỗ trợ phát triển nhờ thu ngân sách nhà nước trong năm 2024 tăng mạnh. Sáp nhập, tinh giản bộ máy góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Đặc biệt, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đấu thầu 2023 sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục có những bước khởi sắc là nền tảng cho phát triển dân cư, thu nhập, gia tăng nhu cầu về bất động sản nhà ở.
Dự kiến năm nay, cả nước sẽ có gần 42.200 căn hộ sẽ ra mắt thị trường, tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, song có xu hướng lan dần sang các đô thị vệ tinh khi quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp. Phân khúc căn hộ hạng A và hạng sang tiếp tục dẫn đầu thị trường. Đặc biệt, thị trường sẽ chứng kiến sự thay đổi rõ rệt khi phần lớn sản phẩm đều thuộc sở hữu của các chủ đầu tư lớn như MIK, Masterise, Vingroup, Sungroup.
Nhu cầu nhà ở tại nội đô Hà Nội và TP.HCM vẫn còn khá lớn, nhất là phân khúc trung cấp. Tuy nhiên, khách hàng đang dần chuyển hướng sang khu vực ngoại thành, nơi có hạ tầng giao thông thuận tiện và được phát triển bởi các doanh nghiệp lớn.
Giá bán sơ cấp sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung sản phẩm phần lớn đến từ các giai đoạn mới của dự án cũ và chỉ tập trung ở một số khu vực và chủ đầu tư nhất định. Dự kiến mức độ tăng trưởng trung bình theo quý từ 3 – 7% ở cả 3 hạng, trong đó hạng A dự báo sẽ tăng mạnh nhất, giá bán phân khúc căn hộ hạng B sẽ dần biến mất trên thị trường…”.
“Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính chuyển đổi với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Những thay đổi tích cực trong nền kinh tế, chính sách thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong kỷ nguyên này sẽ mang đến một môi trường lý tưởng cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư bất động sản.
Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Keppel. Trong hơn ba thập kỷ qua, chúng tôi đã phát triển và trở thành một trong những nhà đầu tư bất động sản nước ngoài lớn mạnh nhất tại đây, với 25 dự án được cấp phép, tổng vốn đăng ký khoảng 3,8 tỷ USD. Song hành cùng những nỗ lực chú trọng vào phát triển bền vững của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội để đem lại các giải pháp và dịch vụ liên quan phát triển bền vững tại quốc gia này, thông qua các nền tảng đầu tư chất lượng và danh mục tài sản đa dạng, bao gồm các quỹ tư nhân và quỹ tín thác bất động sản.
Với việc Việt Nam ngày càng chú trọng vào phát triển bền vững, Keppel tin rằng các giải pháp của doanh nghiệp có thể góp phần khai mở thêm nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho đất nước.
Keppel cũng nhận thấy nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam – nơi chúng tôi đã kiến tạo danh mục các dự án chất lượng bao gồm bất động sản nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Hiện, Keppel đang hướng đến việc tiếp tục triển khai dự án Saigon Centre giai đoạn 3 tại TP. Hồ Chí Minh và khánh thành dự án trung tâm thương mại Hanoi Centre trong năm nay. Keppel cũng đang triển khai giải pháp Năng – lượng – là – một – dịch – vụ (EaaS) tại Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thiết kế và cải tiến hệ thống làm mát hiện hữu tại các dự án của khách hàng, góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và hiệu suất hoạt động của các dự án này.
Bên cạnh bất động sản và năng lượng, Keppel cũng lấn sân vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Là một nhà phát triển trung tâm dữ liệu hàng đầu với 35 trung tâm dữ liệu quy mô trên khắp châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu, Keppel mang đến các giải pháp trung tâm dữ liệu tích hợp nhằm thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của đất nước. Song hành cùng nỗ lực của Việt Nam trên hành trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050, Keppel mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của quốc gia này.
Việc liên tục duy trì và mở rộng hoạt động của Keppel tại Việt Nam là minh chứng cho thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình”.
“Chúng tôi nhận định trong năm 2025, thị trường bất động sản sẽ có nhiều thay đổi và bức tốc.
Với sự quyết liệt từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; các chính sách mới có hiệu lực; việc sắp xếp, sáp nhập các bộ, ngành… sắp tới, việc thực hiện thủ tục triển khai dự án sẽ quy về một đầu mối, nhiều dự án sẽ được hoạt động trở lại, nguồn cung sẽ tăng lên. Cùng với đó, nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức cao, thu hút FDI nhiều hơn, niềm tin của khách hàng sẽ được củng cố, giao dịch sẽ sôi động, nhất là các giao dịch mua đi bán lại.
Tuy nhiên, với thị trường sơ cấp, sẽ không phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở” như trước, mà sẽ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, giỏi, có tiềm lực vững mạnh như Vingroup, Sun Group… Họ không lấy mục tiêu lợi nhuận làm gốc mà chủ trương xây dựng thương hiệu quốc gia, tạo dựng những dự án mang tầm quốc tế. Điều này cũng khuyến khích và tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính vươn mình bức tốc.
Tôi cho rằng trong 10 năm tới, thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) vẫn rất sôi động nhưng giá cả sẽ không tăng đột biến. Bởi giá nhà muốn lên và đứng vững ở mức cao hơn thì phải “chạm” được mức thu nhập của số đông người dân.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách đối với hoạt động bất động sản ngày càng chặt chẽ hơn, sẽ hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, thổi giá, kiếm lời bất chính. Đồng thời, đến nay, giá nhà cũng đã quá cao, vượt rất xa khả năng chi trả của đại đa số bộ phận người dân nên khó có dư địa để lên tiếp. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cho bất động sản cũng sẽ ổn định hơn, lãi suất cũng không “giật cục”… sẽ giúp thị trường ổn định hơn về giá. Ngoài ra, nguồn cung, trong đó có nhà ở xã hội sẽ gia tăng nhanh, phần nào đáp ứng được nhu cầu thật trên thị trường, nên giá có thể vẫn tăng, song chỉ tăng ở mức vừa phải.
Hạ tầng kết nối giữa các đô thị lớn với các vùng lân cận sẽ ngày càng đồng bộ, thuận tiện, từ đó, thúc đẩy nhu cầu đầu tư bất động sản lan tỏa sang các khu vực lân cận, nơi có nguồn cung đa dạng, giá cả cạnh tranh hơn, góp phần kéo giảm mặt bằng giá chung trên thị trường. Qua đó, giúp củng cố niềm tin, thúc đẩy sự tham gia của khách hàng, nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản, giúp thị trường khởi sắc hơn trong 2025.
Để “đón đầu” sự sôi động trở lại của thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang triển khai các kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng “tác chiến”. Với Cen Land, chúng tôi tập trung vào chiến lược phát triển nhân sự với các mục tiêu mới, trong đó có việc thu hút 5.000 – 7.000 nhân lực bán hàng trong năm 2025, hướng tới thu hút và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, có nền tảng kiến thức vững chắc về văn hóa, kinh tế – xã hội.
Do đó, chúng tôi mong muốn thu hút được lực lượng nhân sự dôi dư sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập, tái cơ cấu các bộ, ngành, đơn vị… có thể đồng hành cùng Cen Land. Vấn đề là họ phải dám bước ra khỏi “vùng an toàn”cố hữu của bản thân”.
“Thị trường bất động sản năm 2025 sẽ khác với năm 2024 ở điểm quy mô tham gia ở thị trường sẽ lớn hơn.
Năm trước chỉ có bất động sản ở TP. Hà Nội, TP.HCM, một phần Hải Phòng “nóng”, còn năm 2025 sẽ phát triển mở rộng, khi TP. HCM khởi động mạnh, tạo ra tín hiệu, lan tỏa trên cả nước.
Tôi cho rằng năm 2025 là năm đại dự án. Trước đây liên quan đến hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng nên doanh nghiệp còn chờ đón, nghe ngóng, nhưng nay, hành lang pháp lý đã rõ ràng, thì các nhà đầu tư lớn sẽ mở rộng từ Nam ra Bắc, trong đó có huyện Cần Giờ, Long An…các đại dự án sẽ xuất hiện, giúp cải thiện nguồn cung. Năm 2025 sẽ có nhiều thành phần chủ đầu tư tham gia nhưng cũng có chủ đầu tư không còn xuất hiện nữa, nhiều loại tư duy sản phẩm, tư duy đầu tư không còn phù hợp. Về phân khúc sẽ đa dạng hơn năm 2024. Ví dụ như trong năm 2024 sẽ chỉ có 1-2 “món”, từ năm 2025 – 2027 sẽ đa dạng menu hơn, nhà đầu tư, người dân có nhiều lựa chọn và cần quyết định đầu tư đúng đắn.
Thứ nhất, các điều kiện cần và đủ cũng như các yếu tố tạo nền cho thị trường đã tốt hơn rất nhiều nhưng chất lượng vốn FDI cả về quy mô, cả về thành phần tham gia FDI, về thành phần liên quan tạo ra những giá trị về công ăn việc làm của người dân trong tương lai, phân bổ về các địa phương là điều khác biệt hoàn toàn so với chặng đường thu hút FDI trước đây.
Thứ hai, về mặt pháp lý, đến thời điểm này, các luật mới đang từng bước được thực thi và tạo ra những hành lang pháp lý có tính định hướng, lộ trình rõ ràng cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba, cải tổ về mặt liên quan hành chính, bộ, ban, ngành cũng như công tác liên quan thủ tục hành chính”.
VnEconomy 24/02/2025 11:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 07-2024 phát hành ngày 17/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/dua-thi-truong-bat-dong-san-phat-trien-dung-quy-dao.htm