Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương vừa qua đã gửi văn bản góp ý với tỉnh Đồng Nai về Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; trong đó có đề xuất xây thêm tuyến đường sắt nối Bình Dương với sân bay lưỡng Biên Hòa.
Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho biết rằng nội dung góp ý chưa làm rõ nội dung hướng tuyến của tuyến đường sắt đề xuất này. Vì vậy, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai sẽ làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương nhằm cụ thể hóa hướng tuyến của tuyến đường sắt được đề nghị bổ sung vào quy hoạch.
Hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai giáp nhau qua sông Đồng Nai – Sài Gòn. Hiện nay, kết nối giao thông đường bộ giữa Đồng Nai và Bình Dương đã có các cầu được đầu tư xây dựng gồm cầu Đồng Nai, Hóa An và Thủ Biên. Bên cạnh đó là cầu Bạch Đằng 2 đang được triển khai xây dựng. Hai địa phương cũng đã thống nhất bổ sung quy hoạch thêm 4 vị trí xây cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé gồm các cầu Hiếu Liêm 2, Tân An – Lạc An, Tân Hiền – Thường Tân và Thạnh Hội 2.
Theo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, nhằm tăng cường kết nối giao thông khi sân bay Biên Hòa được quy hoạch khai thác lưỡng dụng, tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất bổ sung thêm vị trí xây dựng cầu kết nối giữa thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Dĩ An (Bình Dương) tại khu vực bến đò Xóm Lá, thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. “Việc xây dựng thêm cầu đường bộ tại vị trí này sẽ tạo thêm tuyến kết nối mới giữa thành phố Biên Hòa và tỉnh Bình Dương; từ đó, giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ khi dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Biên Hòa hoàn thành và được đưa vào khai thác lưỡng dụng”, đại diện Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho biết.
Ngày 13/3/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Văn bản số 175/TTg-CN về việc đầu tư cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Phó thủ tướng giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP như đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các bộ gồm Bộ Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai dự án.
Ngày 07/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, sân bay Biên Hòa là một trong những sân bay (cùng với sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận) được quy hoạch là sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021 – 2030.
Sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động. Sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn hai đường băng dài 3,6 km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay,…
Các chuyên gia cho rằng để khai thác lưỡng dụng, sân bay Biên Hòa chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường,… nhằm tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.
Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM khoảng 30 km. Trước đây, sân bay được phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời và được giao cho Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng. Hiện nay, sân bay Biên Hòa có nhiều khu vực đất bị nhiễm dioxin và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp với phía Mỹ để xử lý.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/de-xuat-bo-sung-vao-quy-hoach-tuyen-duong-sat-ket-noi-san-bay-bien-hoa.htm