Để các hoạt động kinh tế khởi sắc, Trung Quốc cần thuyết phục được người dân rằng giá nhà sẽ tăng – theo nhà kinh tế trưởng Richard Koo của Viện nghiên cứu Nomura trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Một phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy nhu cầu vay vốn mới của doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc ảm đạm trong những tháng đầu năm. Cùng với đó, giá nhà ở nước này trong tháng 2 giảm mạnh hơn mức giảm ghi nhận trong tháng 1. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đang rơi vào một cuộc “suy thoái bảng cân đối kế toán” tương tự như những gì Nhật Bản đã trải qua.
Giới chuyên gia kinh tế đôi khi sử dụng thuật ngữ “suy thoái bảng cân đối kế toán” (“balance sheet recession”) để miêu tả tình trạng trong đó gánh nặng nợ nần gia tăng và các doanh nghiệp, hộ gia đình tập trung vào việc giảm nợ trong bối cảnh thu nhập đi xuống. Tình trạng đáng lo ngại như vậy đã từng xảy ra ở Nhật Bản, quốc gia đã trải qua “thập kỷ mất mát” với tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát liên miên sau “cú sốc kép” là vỡ bong bóng bất động sản và vỡ bong bóng chứng khoán vào đầu thập niên 1990.
“Để người tiêu dùng và doanh nghiệp vay tiền để chi tiêu và đầu tư, Trung Quốc cần một câu chuyện trong đó nói rằng giá nhà đã chạm đáy và từ nay trở đi sẽ tăng”, ông Kooo phát biểu.
Tuy nhiên, không ai dám chắc giá nhà ở Trung Quốc đã thực sự chạm đáy thực sự hay chưa. Ông Koo và các nhà phân tích khác đã chỉ ra rằng trong nền kinh tế định hướng chính sách của Trung Quốc, giá nhà đến hiện tại vẫn chưa giảm nhiều như kỳ vọng, nếu xét đến sự sụt giảm ở các bộ phận khác của thị trường bất động sản.
Giới chức Trung Quốc cho biết bất động sản vẫn đang trong giai đoạn “điều chỉnh”. Nước này cũng đang nhấn mạnh vào các động lực tăng trưởng mới như ngành sản xuất và xe năng lượng mới.
Trước khi xảy ra khủng hoảng, bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm ít nhất 1/5 nền kinh tế Trung Quốc, tùy theo ước tính của các nhà phân tích. Cuộc khủng hoảng bất động sản này của Trung Quốc xảy ra sau khi Bắc Kinh vào năm 2020 khởi động một chiến dịch nhằm kiểm soát sự phụ thuộc quá mức vào vay nợ của các doanh nghiệp địa ốc.
Điều đáng nói là nỗ lực thanh lọc ngành bất động sản của Trung QUốc lại diễn ra trùng với cú sốc Covid-19. Ngoài ra, dân số Trung Quốc cũng bắt đầu suy giảm – ông Koo chỉ ra rằng đây là một khác biệt lớn giữa Trung Quốc hiện nay và Nhật Bản trước kia, vì dân số của Nhật phải tới năm 2009 mới bắt đầu giảm.
“Việc tạo ra câu chuyện – trong đó nói rằng giá nhà đã giảm đủ rồi, mọi người hãy đi vay tiền và mua nhà đi – sẽ càng khó hơn, vì dân số Trung Quốc đang giảm”, ông Koo nói.
Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, năm đầu tiên kể từ khi nước này chấm dứt chính sách Zero-Covid. Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng đây là một mục tiêu khó đặt nếu không có các biện pháp kích cầu.
Chính phủ Trung Quốc hiện nay không muốn đưa ra một gói kích cầu quy mô lớn vì lo ngại sẽ làm gia tăng tình trạng nợ nần trong nền kinh tế. Theo ông Koo, Bắc Kinh có thể đã xem chương trình kích cầu kinh tế trước đây là một sai lầm.
15 năm trước, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc tung ra một gói kích cầu trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 563 tỷ USD. Ban đầu gói kích cầu này bị nghi ngờ và thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm khoảng 70% – ông Koo nhớ lại.
“Khi đó, kinh tế Trung Quốc gần như sẽ rơi vào một cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán. Nhưng chỉ 1 năm sau, nền kinh tế nước này tăng trưởng 12%”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Dù vậy, Chính phủ Trung Quốc đã duy trì gói kích cầu ngay cả sau khi đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, dẫn tới tình trạng tăng trưởng quá nóng và đầu cơ, cũng như nạn tham nhũng – ông Koo nói. “Đó là một trong những lý do vì sao Trung Quốc hiện nay không muốn tung ra một gói kích cầu lớn. Có nhiều người đã nghĩ lần kích cầu trước là một thất bại”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn khuyến nghị Trung Quốc cần thích thích nền kinh tế để tránh một cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán có thể xảy ra trong thời gian tới. Ông nói Trung Quốc cần cắt ngay việc kích cầu một khi tăng trưởng đạt mức 12%. “Một khi hoạt động vay nợ tăng trở lại, họ có thể cắt việc kích cầu, nhưng không nên sớm hơn”, ông nói.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/de-phuc-hoi-kinh-te-trung-quoc-can-vuc-day-niem-tin-ve-bat-dong-san.htm