Ngân hàng JPMorgan của Mỹ mới đây đưa ra nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm nhiều cách để hồi sinh hai lĩnh vực này.
“Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang diễn biến theo hướng tích cực. Dù sự phục hồi mạnh gần đây có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhưng tôi tin rằng lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc năm nay sẽ tăng so với năm ngoái”, bà Wendy Liu, chiến lược gia trưởng về chứng khoán châu Á và Trung Quốc tại ngân hàng JPMorgan, nhận định tại hội nghị thượng JPMorgan Global China tuần trước. “Lợi nhuận sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng lên. Và khi nhà đầu nhìn thấy có sự tăng trưởng lợi nhuận, họ sẽ quan tâm trở lại”.
Trong phiên giao dịch ngày 27/5, chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất 8 tháng. Tính từ đầu năm, chỉ số này đã tăng 4,97%, lên mức 3.601,48 điểm.
Dự báo CSI 300 sẽ tăng lên 3.900 điểm vào cuối năm nay, bà Liu cho rằng chứng khoán Trung Quốc hiện nằm trong nhóm rẻ nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. CSI 300 là chỉ số chứng khoán giảm mạnh thứ 3 ở châu Á khi sụt tới 11,38% trong năm ngoái. Đà sụt giảm này kéo dài từ năm 2021 và 2022. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông cũng khi nhận năm giảm thứ 4 liên tiếp vào năm ngoái khi sụt 14%.
Nhằm nỗ lực phục hồi thị trường, các nhà chức trách Trung Quốc thời gian qua đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ như tăng tính thanh khoản của thị trường hay đưa ra cảnh báo với các hành vi phi pháp.
Đánh giá về những diễn biến gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc, bà Liu tỏ ra lạc quan về những cải cách sau khi Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) có tân chủ tịch – ông Wu Qing.
Sau khi nhậm chức, ông Wu đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp niêm yết, đồng thời thiết lập các quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động niêm yết và hủy niêm yết, cũng như phát đi cảnh báo tới những doanh nghiệp có chính sách trả cổ tức bất thường. Những quy định này giúp nhà chức trách dễ dàng xử phạt những doanh nghiệp vi phạm hoặc có vấn đề trong việc báo cáo tài chính.
Khi được hỏi về thị trường bất động sản Trung Quốc, chiến lược gia của JPMorgan cho rằng thị trường này đang ở “điểm uốn” (inflection point) – tức vị trí đường cong chuẩn bị có sự thay đổi theo hướng ngược lại. Bà cũng cho biết JPMorgan dự báo tích cực về thị trường bất động sản Trung Quốc nhờ các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.
Tuần trước, Bắc Kinh công bố gói hỗ trợ bất động sản lớn chưa từng thấy nhằm hồi sinh thị trường đang chìm trong khủng hoảng. Gói giải cứu bao gồm việc nới lỏng các quy định vay thế chấp nhà, hối thúc các chính quyền địa phương mua nhà ế, hạ mức đặt cọc với người mua nhà… Kế hoạch này cũng bao gồm số vốn khoảng 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) để các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn mua lại số nhà tồn tại các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, bên cạnh đánh giá lạc quan từ JPMorgan, không ít chuyên gia cho rằng gói giải cứu này công bố có quy mô quá nhỏ, không đủ để phục hồi thị trường bất động sản đã chìm trong khủng hoảng gần 3 năm qua. Bởi con số 300 tỷ nhân dân tệ của chương trình chỉ có thể giải quyết được một phần nhỏ tồn kho nhà mới trên thị trường. Theo ước tính của các nhà kinh tế, tổng giá trị nhà mới tồn kho trên thị trường Trung Quốc hiện tại có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ của Bắc Kinh trước đó cũng không mang lại nhiều hiệu quả. Đơn cử, một chương trình hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) dành cho các ngân hàng thương mại nhắm tới các dự án nhà ở cho thuê ghi nhận tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ khoảng 2%.
Một báo cáo của Goldman Sachs Group gần đây ước tính để đưa mức tồn kho nhà ở hiện tại của Trung Quốc trở về mức của năm 2018 sẽ cần tới 7,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, gấp hơn 25 lần so với giá trị gói giải cứu vừa được công bố.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/chuyen-gia-bat-dau-lac-quan-ve-chung-khoan-va-bat-dong-san-trung-quoc.htm