Liên quan đến nội dung công chứng giao dịch bất động sản, theo điều 41 dự thảo, công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ một số trường hợp nhất định. Nội dung này được kế thừa từ Luật Công chứng năm 2014 (đang có hiệu lực).
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra có đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, làm rõ tính phù hợp của quy định nêu trên, đồng thời xem xét chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
CÓ NÊN MỞ RỘNG PHẠM VI GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN ĐƯỢC CÔNG CHỨNG?
Thảo luận tại hội trường ngày 25/6 về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), tán thành với đề xuất này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, đề nghị không giới hạn quyền công chứng giao dịch bất động sản của công chứng viên trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đại biểu, hiện các dữ liệu Quốc gia về đất đai, nhà ở, bất động sản khác đã được xây dựng và khai thác, cho nên việc hạn chế thẩm quyền công chứng trong phạm vi về giao dịch bất động sản sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi cần công chứng.
Bên cạnh đó, công chứng viên phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động công chứng của mình cho nên việc mở rộng phạm vi công chứng liên quan đến bất động sản là phù hợp với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn TP. Hồ Chí Minh, đề nghị cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Đây là mục tiêu chúng ta hướng đến nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn này là hết sức nguy hiểm, chưa phù hợp với thực trạng hiện nay của nước ta.
Nêu quan điểm này, đại biểu phân tích, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản hiện nay mới đang bắt đầu ở một số địa phương, sự liên thông cũng mới chỉ bắt đầu, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện, hạ tầng về trang thiết bị, cơ sở vật chất không đồng đều giữa các địa phương trong cả nước.
Do đó, nền tảng xã hội trong vài năm tới chưa đủ để thực hiện việc bỏ địa hạt công chứng đối với bất động sản, đại biểu đoàn Tp. Hồ Chí Minh nói.
Đại biểu cũng chỉ ra tình trạng lừa đảo qua công nghệ chưa được kiểm soát hiệu quả nên trong giai đoạn này cần hết sức thận trọng trong việc bỏ địa hạt để hạn chế rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro pháp lý về phía người dân.
THẬN TRỌNG TRONG CÔNG CHỨNG ĐIỆN TỬ VỚI CÁC GIAO DỊCH PHỨC TẠP NHƯ BẤT ĐỘNG SẢN
Liên quan đến cơ sở dữ liệu công chứng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn Vĩnh Phúc, đề nghị xem xét quy định trong luật theo hướng công chứng được kết nối cơ sở dữ liệu dân cư ở các trường hợp sinh trắc học mà không liên quan và ảnh hưởng đến an ninh như nhận diện khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phục vụ cho việc xác định chủ thể khi tham gia giao dịch công chứng, khi sử dụng thì phải trả tiền theo lượt khai thác do Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp và Bộ Công an quy định cụ thể.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ thuận lợi, chính xác, an toàn trong hoạt động công chứng, đồng thời không lãng phí tài sản của xã hội khi các tổ chức, cá nhân phải tự trang bị thiết bị cho mình.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương, đề nghị bổ sung việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quyền khai thác cơ sở dữ liệu vào dự thảo luật, theo hướng cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh quốc gia, đồng thời liên thông thủ tục công chứng đăng ký đất đai và thuế.
Đại biểu nêu thực tế hiện nay ngày càng có nhiều giao dịch giả mạo như hợp đồng vay tiền nhưng yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng hoặc tình trạng chuyển nhượng, mua bán đất với 2 giá khác nhau, kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế để trốn thuế.
Tuy nhiên các bên lại không lường trước được những hậu quả pháp lý xảy ra như nguy cơ mất nhà đất, bị phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ đăng ký, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế.
Ngược lại, với những hành vi trên, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ công chứng vẫn có một số người yêu cầu công chứng có nhu cầu muốn tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất và nộp thuế đồng thời sẽ thanh toán chi phí cho dịch vụ này.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật theo hướng cho phép tổ chức hành nghề công chứng được quyền thỏa thuận cung cấp dịch vụ đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và nộp thuế khi người yêu cầu công chứng có nhu cầu.
Việc mở rộng quyền của tổ chức hành nghề công chứng như đã nêu sẽ đáp ứng được nhu cầu thực chất của người dân, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính thống nhất trong việc công chứng đăng ký đất đai, tránh tình trạng công chứng xong nhưng phát sinh mâu thuẫn hoặc văn bản công chứng không được chấp nhận tại cơ quan đăng ký đất đai, quan trọng nhất là chống tình trạng thất thu thuế, đại biểu Trân nói.
Về công chứng điện tử, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận, thống nhất cao với việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giao dịch dân sự, kinh tế và đảm bảo đồng bộ với các quy định Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
Tuy nhiên, theo đại biểu trong hoạt động công chứng có nhiều vấn đề đòi hỏi công chứng viên phải tiếp xúc trực tiếp với người yêu cầu công chứng mới đảm bảo tính chính xác mà công nghệ hiện nay chưa có thể thay thế được.
“Ví dụ như việc đánh giá năng lực hành vi hay ý trí tự nguyện của người yêu cầu công chứng bắt buộc phải gặp mặt trực tiếp chứ không thể thông qua công nghệ. Nhất là trong giai đoạn hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao sử dụng AI để giả giọng nói, khuôn mặt có thể dẫn đến các vụ lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng.
Do vậy việc công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng có bước đi hợp lý, trước mắt dự thảo Luật cần quy định rõ chỉ chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp với các giao dịch đơn giản, chứ không áp dụng đối với các giao dịch phức tạp như bất động sản hay thừa kế”, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phân tích.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/can-nhac-de-xuat-mo-rong-pham-vi-tham-quyen-cong-chung-giao-dich-bat-dong-san.htm