Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
BỎ QUY ĐỊNH KINH DOANH PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY LÀ NGÀNH NGHỀ CÓ ĐIỀU KIỆN
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo Luật.
Đối với hoạt động cứu hộ cứu nạn giao cho lực lượng quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai…; hoạt động cứu nạn cứu hộ do Luật này điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống như cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chủ trì phối hợp với các lực lượng khác có liên quan thực hiện.
Dự thảo luật đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Về phòng cháy, dự thảo Luật đã tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 02 điều gồm 01 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 01 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này; bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Tiếp thu, chỉnh lý bao quát các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.
Về quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến trên là cần phải thực hiện chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Do vậy, nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật này, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 nhằm bỏ quy định này tại mục số 11 Phụ lục IV của Luật Đầu tư.
ĐỀ XUẤT BỔ SUNG THÊM TRÁCH NHIỆM CÁC BÊN LIÊN QUAN
Góp ý về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Đỗ Văn Yên – Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến đầu tư công nghệ mới. Đồng thời đảm bảo thống nhất với Điều 52 của dự thảo Luật về khoa học, công nghệ và hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cũng như truyền tin về báo cháy.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cách thức xử lý báo cháy tình huống khẩn cấp cứu nạn cứu hộ giả và có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp báo cháy và cứu nạn cứu hộ giả.
Về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh tại Điều 20 và phòng cháy đối với cơ sở tại Điều 22, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng, hiện nay nhiều cơ sở không đáp ứng được được tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn hoạt động hoặc là chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm.
Do đó, đại biểu đề nghị cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Trần Đình Chung – Đoàn TP. Đà Nẵng thống nhất với chủ trương giao Chính phủ ban hành các danh mục dự án, công trình phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm.
Về một số nội dung cụ thể, ông Chung cho biết tại khoản 3 Điều 14 quy định: Quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng phải có nguồn điện phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu đề nghị thay cụm từ “phải có” bằng cụm từ “ưu tiên”. Bởi, quy định phải có chưa khả thi khi điều kiện hạ tầng cung cấp điện lưới hiện nay chưa có nguồn điện riêng biệt cho các mục đích khác nhau, mà chỉ theo từng nhóm cụm hay khu vực. Do vậy, nên quy định cơ sở phải tự trang bị nguồn điện, ví dụ như máy phát điện hoặc đầu nối phù hợp với hệ thống điện ở cơ sở, trong đó ưu tiên cho nguồn cấp điện phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng dự thảo chưa nêu trách nhiệm của các bên liên quan. Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy của các bên liên quan trong quá trình thi công, gồm: chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm định thiết kế.
Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn tỉnh Khánh Hòa cho biết Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình.
Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này nội dung: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình.
BỔ SUNG QUY ĐỊNH PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VỚI CHUNG CƯ CAO TẦNG
Nêu quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Vũ Hồng Luyến ( Đoàn tỉnh Hưng Yên) đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng. Bởi vì nhiều chung cư cao tầng đã sử dụng từ lâu, hạ tầng xuống cấp dễ xảy ra cháy nổ…
Theo đại biểu Vũ Hồng Luyến, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/can-bo-sung-cac-quy-dinh-ve-phong-chay-chua-chay-voi-chung-cu-cao-tang.htm