Cụ thể, theo khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024, 07 trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất, gồm: Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp. Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
Như vậy, nếu không thuộc 07 trường hợp ở trên, người có đất khi chuyển mục đích sử dụng không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài phù hợp quy định của pháp luật đã chuyển sang sử dụng vào mục đích khác mà nay có nhu cầu chuyển lại thành đất ở và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều này được quy định rõ tại Điều 116 Luật Đất đai 2024. Theo đó, UBND cấp huyện nơi có đất là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Về diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai 2024 chưa có văn bản quy định hạn mức, diện tích tối đa được chuyển mục đích sử dụng đất.
Hạn mức sử dụng đất phụ thuộc vào nhu cầu của người muốn chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thẩm tra hồ sơ, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, xác minh thực địa và quy hoạch để xem có được chuyển hết đối với hạn mức đó không.
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền quy định.
Trước đó, Thông tư 33/2017 (khoản 1 Điều 12) của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định 05 trường hợp khi chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải đăng ký biến động:
-Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm.
-Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm.
-Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm.
-Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
-Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cac-truong-hop-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-khong-phai-xin-phep.htm