Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu được xác định đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá, tăng trưởng GRDP bình quân 9%.
Về cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%; GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index thuộc nhóm khá của cả nước.
Quyết định 1489/QĐ-TTg cũng cho phép Bình Phước quy hoạch mở rộng ba khu công nghiệp hiện hữu và thành lập mới khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú, diện tích 1.619 ha. Ngoài ra, 15 khu công nghiệp tiềm năng cũng được xác định, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước. Không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, bên cạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đường bộ, Bình Phước ưu tiên phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, chuỗi cung ứng, hành lang vận tải đa phương thức và logistics… Đây là một ưu tiên trong định hướng phát triển, vì như đã nói Bình Phước không giáp biển, không cảng biển và cảng sông.
Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư; tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và biên mậu; phát triển tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics; thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước định hướng đầu tư xây dựng ba trung tâm ICD tại cửa khẩu Hoa Lư thuộc huyện Lộc Ninh, quy mô 25 ha; ICD tại thị xã Chơn Thành, quy mô khoảng 46 ha và ICD tại huyện Đồng Phú, quy mô khoảng 40 ha. Theo quy hoạch, các ICD này nằm trong hành lang vận tải Đắk Nông – Bình Phước – TP.HCM; cụ thể, vị trí các ICD được bố trí tại các vị trí có khả năng kết nối đa phương thức (đường bộ, đường sắt,…).
Theo Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến hành lang vận tải Đắk Nông – Bình Phước – TP.HCM có tất cả 10 ICD. Trong đó, Bình Dương có 08 ICD và Bình Phước 02 ICD là ICD Chơn Thành và ICD Hoa Lư.
Về kết nối đa phương thức: Kết nối đường bộ: ICD Chơn Thành kết nối quốc lộ 13, ICD Hoa Lư kết nối quốc lộ 13 và tuyến đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh; kết nối cảng biển: Hai ICD này đều kết nối cảng biển Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM.
Về năng lực thông qua (đến năm 2030): ICD Chơn Thành đạt 100.000 – 150.000 TEUs/năm, ICD Hoa Lư đạt 150.000 – 250.000 TEUs/năm. Cũng theo Quy hoạch cảng cạn QĐ 797, toàn tuyến hành lang vận tải Đắk Nông – Bình Phước – TP.HCM với 10 ICD có năng lực thông qua đến năm 2030 đạt 1.862.000 – 2.650.000 TEUs/năm.
Ngoài ra, Bình Phước cũng ưu tiên đầu tư phát triển du lịch, hạ tầng du lịch và các dịch vụ kết nối. Cụ thể sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch; xây dựng các khách sạn 4 – 5 sao, sân gold; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế, nhất là tuyến du lịch kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan.