Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2023 của Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc, tính đến hết quý 3/2023. Thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng.
Tổng lượng giao dịch tính đến hết quý 3/2023 khoảng 324.378 giao dịch thành công, chỉ đạt khoảng 41,2% so với năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, chỉ bằng 36% so với năm 2022. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 63% so với năm 2022.
Về giá giao dịch bất động sản, tổng hợp báo cáo và thông tin khảo sát đánh giá của các địa phương, các tổ chức nghiên cứu thị trường, giá căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung căn hộ trong những năm gần đây khan hiếm. Tuy nhiên, giá nhà ở thấp tầng và một số loại phân khúc bất động sản khác giảm từ 10% đến 20% tùy thuộc vào vị trí của từng khu vực.
Về nguồn cung, phân khúc nhà ở thương mại đã hoàn thành 42 dự án với khoảng gần 16.000 căn, đạt khoảng 46,1% so với năm 2022. Đồng thời, hoàn thành xây dựng 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 850 căn hộ. Hoàn thành 17 dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú, bằng 56% so với năm 2022.
Về tồn kho bất động sản, theo số liệu báo cáo của 53/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản trong quý 3/2023 vào khoảng 18.808 căn (bao gồm: chung cư 3.196 căn; nhà ở riêng lẻ 6.554 căn; đất nền 7.190 nền), trong đó, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Về phân khúc bất động sản công nghiệp, trong quý 3/2023, thị trường được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới, như: khu công nghiệp VSIP II quy mô 500 ha tại Nghệ An; VSIP Cần Thơ quy mô 900ha; VSIP Bắc Ninh II quy mô 282ha, Khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250ha tại Bắc Ninh; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410ha tại Đồng Nai…
Với việc lượng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với hơn 14 tỷ USD, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian vừa qua khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức trên 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc nhất là về các thủ tục pháp lý. Thị trường thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư đang gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực. Số lượng giao dịch và thanh khoản đã chuyển biến nhưng còn chậm. Việc cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm, xuống cấp tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm so với yêu cầu thực tiễn.
Bộ Xây dựng cho rằng thị trường vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bat-dong-san-ton-kho-nhieu-o-dat-nen-du-an-va-nha-o-rieng-le.htm