Theo Savills, trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới đã gần như khôi phục về mức trước đại dịch, với hơn 85% thị trường ghi nhận chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có (RevPar) cao hơn mức năm 2019.
VIỆT NAM CẦN KHUYẾCH TRƯƠNG THẾ MẠNH THIÊN NHIÊN
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Nhờ vào sự tăng trưởng mạnh các hoạt động du lịch quốc tế, quốc đảo này thậm chí ghi nhận mức giá phòng vượt mức trước đại dịch. Trong khi đó, tốc độ khôi phục của Việt Nam chậm hơn, khi chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 20%, chủ yếu do công suất khai thác cho thuê phòng còn thấp.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, nhận định hoạt động kinh doanh tại các đô thị như TP.HCM và Hà Nội khôi phục nhanh chóng hơn các điểm đến ven biển, trong đó, giá bán phòng trung bình đã gần đạt mức trước đại dịch.
“Đối với thị trường nghỉ dưỡng ven biển, Đà Nẵng hiện đang dẫn đầu về tốc độ khôi phục nhờ vào sự hồi phục của thị trường khách Hàn Quốc cũng như việc cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Đà Nẵng đón nhận khoảng 25 chuyến bay từ các thành phố lớn của Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay quốc tế đến thành phố biển này. Trong khi đó, thị trường Nha Trang – Cam Ranh vẫn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc trước dịch”, ông Mauro nói.
Trung Quốc là nguồn khách quốc tế quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á, khi năm 2019 có 32 triệu lượt khách Trung Quốc đến khu vực này. Hiện nay, mặc dù lượt khách Trung Quốc chưa quay về mức trước đại dịch nhưng thị trường đang ghi nhận nhiều tín hiệu cải thiện tích cực từ nguồn khách này.
Để thu hút khách quốc tế, Singapore và Thái Lan đã cho thấy những nỗ lực thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng cách chú trọng đầu tư hạ tầng, cải thiện quy trình thủ tục xuất nhập cảnh… Đặc biệt, 2 quốc gia này đã quyết tâm cải thiện ngành du lịch bằng chiến lược đồng hành trong chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sỹ quốc tế như: Taylor Swift và Bruno Mars, điều này đã giúp thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang thu hút du khách giàu có đến từ Ấn Độ với đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ đã được tổ chức tại Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc. Mở đầu cho trào lưu này từ năm 2019, khách siêu giàu Ấn Độ cũng đã tổ chức đám cưới tại Phú Quốc của cặp đôi chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal.
“Đây là tệp khách hàng nhiều tiềm năng cho Việt Nam khi có nhiều bãi biển đẹp. Mặc dù Việt Nam có quá trình phát triển du lịch ấn tượng trước đại dịch, cũng như sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế, Việt Nam vẫn cần có những kế hoạch hành động để gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực”, ông Mauro nhấn mạnh.
SẢN PHẨM NGHỈ DƯỠNG TÌM CÁCH HỒI PHỤC
Các chuyên gia nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang là phân khúc được các nhà đầu tư quốc tế săn đón, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) vẫn đang được ký kết, các thương hiệu quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng danh tiếng hàng đầu thế giới duy trì và tiếp tục xuất hiện. Các dự án bị ách tắc về pháp lý được tháo gỡ khó khăn cũng tạo thêm tâm lý niềm tin với thị trường.
Theo ông Mauro Gasparotti, việc phát triển các sản phẩm biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng theo mô hình condotel (căn hộ khách sạn) là một kênh tiếp cận nguồn vốn tốt. Tuy nhiên, quá trình này cần được hoạch định cẩn trọng để đem lại giá trị cho cả chủ đầu tư, chủ sở hữu và khách lưu trú.
“Các chủ đầu tư nên chú trọng đến khía cạnh chất lượng của dự án thay vì đơn thuần tập trung vào quy mô. Điều này sẽ giúp dự án có thể gia tăng giá trị theo thời gian. Nhu cầu chuyển nhượng tài sản đang gia tăng. Dẫu vậy, mức giá người bán kỳ vọng chưa phản ánh được các yếu tố biến động thị trường cũng như rủi ro của ngành bất động sản trong tương lai”, ông Mauro Gasparotti nhận xét.
Về diễn biến của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, các đại diện đến từ các khách sạn lớn tại Việt Nam cho biết trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nguồn khách nội địa là một trong những động lực chính, hỗ trợ quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Đây được xem là nguồn khách có khả năng khôi phục nhanh hơn, cũng như ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động trên thế giới.
Trong khi đó, thị trường khách quốc tế với mức chi tiêu cao hơn, đem đến nguồn doanh thu tốt hơn cho hệ sinh thái du lịch trong nước, nhưng đồng thời thị trường này cũng chịu nhiều biến động hơn do các yếu tố địa chính trị.
Việc duy trì, thu hút cả nguồn cầu nội địa và quốc tế, cũng như việc cần thiết đưa ra các chính sách linh hoạt, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của từng tệp khách, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch.
Ông Mauro cho biết các thương hiệu khách sạn quốc tế đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Hiện nay, toàn thị trường có gần 200 khách sạn mang thương hiệu quốc tế, tăng mạnh so với khoảng 50 dự án vào năm 2013.
Hoạt động nghỉ dưỡng cũng được các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố ESG và mục tiêu phát triển bền vững cũng như câu chuyện tích hợp suối khoáng nóng, mô hình Onsen và các yếu tố chăm sóc sức khỏe vào mô hình kinh doanh nghỉ dưỡng. Khách hàng ngày càng có xu hướng ưu tiên những trải nghiệm phù hợp với giá trị cá nhân, nâng cao sức khỏe (wellness), do vậy các dự án có thể truyền đạt những cam kết về phát triển bền vững, yếu tố sức khỏe sẽ có nhiều ưu thế cạnh tranh cũng như có khả năng gia tăng giá trị trong dài hạn.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững của địa phương, cụ thể tại các điểm đến ven biển như Phú Quốc, Cam Ranh… địa phương có thể vừa phát triển hoạt động du lịch đồng thời vừa bảo tồn các giá trị cộng đồng cũng như duy trì chất lượng môi trường, cảnh quan”, ông Mauro gợi ý.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bat-dong-san-nghi-duong-tim-cach-hoi-phuc-nho-khach-sieu-giau.htm