Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng GDP trong quý 2 năm 2024 tăng lên mức 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 5,8% trong quý 1 năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế nói chung được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất mạnh mẽ cũng như sự phục hồi của lĩnh vực thương mại. Cả khu vực sản xuất và dịch vụ đều tăng trưởng mạnh trong hai quý vừa qua. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng 10,0% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2 năm 2024 so với mức 7,2% trong quý 1 năm 2024. Ngành dịch vụ tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2 năm 2024 từ mức 6,2% trong quý 1 năm 2024. Sự phục hồi ở cả hai khu vực này đều quan trọng vì tổng thể chúng chiếm ba phần tư GDP của Việt Nam.
Ngoài ra, hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024 và đà tăng trong doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 có khả năng sẽ tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,0% và 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù các rủi ro ngược vẫn còn hiện hữu, bao gồm rủi ro địa chính trị bên ngoài, sự biến động trong chu kỳ bán dẫn và sự không chắc chắn trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc, tôi dự báo mức tăng trưởng tích cực đối với Việt Nam ở mức 6,0% cho năm tài chính 2024, phục hồi từ mức 5,0% trong năm 2023. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN.
NHIỀU THUẬN LỢI CHO VIỆT NAM
Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam được hỗ trợ bởi các xu hướng nhân khẩu học và kinh tế vĩ mô tích cực trong dài hạn. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành ngôi sao kinh tế đang lên của ASEAN. Về nhân khẩu học, Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ và có dân số lớn thứ ba trong ASEAN với khoảng 100 triệu người. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong những năm tới để khuyến khích chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn khi dân số tiếp tục tăng và trở nên giàu có hơn.
Về xu hướng kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang dần chuyển đổi thành công từ nền kinh tế sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế theo hướng công nghệ có giá trị gia tăng cao hơn cũng như tập trung mạnh vào ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch. Dựa vào những yếu tố nền tảng mạnh mẽ dài hạn này, tỷ trọng kinh tế của Việt Nam trong tổng GDP của ASEAN đã tăng mạnh và tăng gần gấp đôi từ dưới 6% vào năm 2000 lên khoảng 12% hiện nay.
Không những thế, Việt Nam còn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn ASEAN nhờ vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN.
Trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng và thuế quan tăng cao, ASEAN trở nên khác biệt nhờ vào các cơ hội thương mại mạnh mẽ và đang gia tăng trong khu vực. Cụ thể, lợi thế thương mại to lớn của ASEAN được hỗ trợ bởi 6 FTA lâu đời giữa ASEAN và Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc/New Zealand.
Quan trọng hơn, 10 quốc gia ASEAN đóng vai trò nòng cốt trong khuôn khổ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 nước. Có thể coi ASEAN là “trái tim đang đập” của RCEP, hỗ trợ thương mại ở Bắc Á từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với thương mại từ Úc và New Zealand. Cùng nhau, 15 quốc gia RCEP này thúc đẩy đáng kể phạm vi kinh tế và thương mại của ASEAN. Tổng cộng, các quốc gia RCEP chiếm gần 30% GDP, dân số và thương mại toàn cầu.
Các quốc gia ASEAN có thể tăng cường hơn nữa năng lực thương mại mạnh mẽ của mình bằng cách hợp tác để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực và hợp tác để phát triển các ngành công nghiệp mới của tương lai trong lĩnh vực bền vững và kỹ thuật số, tăng cường phối hợp về chính sách xuyên biên giới và hội nhập giữa các ngành công nghiệp chính trên khắp khu vực.
Cụ thể, ASEAN đang chuẩn bị ghi nhận thêm một năm nữa về dòng vốn FDI kỷ lục, với mức 226 tỷ đô la đạt được vào năm 2023, phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp 120 tỷ đô la trong năm Covid-19 là 2020. Nhìn chung, ASEAN là điểm đến FDI lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ (ở mức 311 tỷ đô la) và đứng trước Trung Quốc (ở mức 163 tỷ đô la). Về lâu dài, dòng vốn FDI của ASEAN dự kiến sẽ tăng mạnh lên khoảng 370 tỷ đô la vào năm 2030.
NHƯNG THÁCH THỨC VẪN TỒN TẠI
Nhìn về nửa cuối năm 2024 và năm 2025, ASEAN sẽ phải đối mặt với ba thách thức chính.
Thách thức đầu tiên là sự phục hồi kinh tế không đồng đều và chậm chạp của Trung Quốc. Dữ liệu mới nhất tiếp tục chỉ ra doanh số bán lẻ và chi tiêu kém trong bối cảnh sản xuất chậm lại. Việc tái cấu trúc nợ trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục mất thời gian để giải quyết. Do đó, chúng ta thấy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại từ 5,0% trong nửa đầu năm 2024 xuống còn khoảng 4,8% dự báo trong nửa cuối năm 2024.
Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc này là “con dao hai lưỡi” đối với ASEAN. Mặc dù có những rủi ro từ nhu cầu chậm lại từ Trung Quốc, ASEAN cũng được hưởng lợi lớn từ xu hướng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn Trung Quốc vào ASEAN khi họ tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài Trung Quốc.
Thách thức thứ hai là rủi ro chính sách tiềm ẩn trong bối cảnh thay đổi lãnh đạo ở các quốc gia ASEAN quan trọng, bao gồm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Những thay đổi này có thể gây ra những thay đổi trong nhiều chính sách tài khóa và kinh tế mà các tập đoàn và nhà đầu tư cần phải điều hướng.
Thách thức thứ ba tất nhiên là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới. Tùy thuộc vào kết quả, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể gia tăng, có khả năng dẫn đến mức thuế quan thương mại cao hơn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới và bao gồm cả ASEAN.
Tuy vậy, các nhà đầu tư có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh đồng VND đang dần phục hồi.
Để hỗ trợ cho sự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) dự kiến sẽ hành động thận trọng và duy trì lãi suất tái cấp vốn không đổi ở mức 4,50% trong tương lai gần và thay vào đó tập trung vào các biện pháp khuyến khích tăng trưởng cho vay nhiều hơn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
Đối với đồng VND, được hỗ trợ từ sự phục hồi kinh tế trong suốt năm 2024 và dự báo về sự suy yếu của đồng USD trên toàn cầu, VND đã bắt đầu tăng giá trở lại mức mạnh hơn 25.000 so với USD. Trong tương lai, VND dự kiến sẽ tăng dần lên mức 24.100 so với USD vào quý 2 năm 2025.
Tóm lại, sự phục hồi tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024 đối với Việt Nam có thể được kỳ vọng sẽ kéo dài sang nửa cuối năm. Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ từ dự báo tăng trưởng thương mại và sự gia tăng dòng vốn FDI của ASEAN. Về lâu dài, lợi thế nhân khẩu học cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô sẽ giúp Việt Nam duy trì sức mạnh là ngôi sao kinh tế sáng lạn của ASEAN.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/viet-nam-la-ngoi-sao-sang-trong-nen-kinh-te-asean.htm