Trong bối cảnh thị trường cà phê Việt Nam cạnh tranh ngày càng gay gắt, các chuỗi cà phê lớn đang định hình lại vị thế của mình. Theo báo cáo tháng 6/2024 của Vietdata, thị trường cà phê tại Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ từ các “ông lớn” và sự gia nhập của nhiều thương hiệu mới. Nếu trước năm 2020, thị trường này là sân chơi của các “tân binh”, thì hai năm trở lại đây, các thương hiệu lớn đã củng cố vị thế của mình một cách mạnh mẽ. Trong năm 2021, các chuỗi như Trung Nguyên Legend, Highland Coffee, Phúc Long Coffee & Tea House, The Coffee House, Starbucks… chiếm khoảng 33% thị phần kinh doanh cà phê tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, con số này đã tăng lên 42%, cho thấy sự áp đảo của các “ông lớn” trong ngành.
Trong số các thương hiệu, Highlands Coffee đã thể hiện sự bứt phá ấn tượng khi tăng thị phần từ 7,4% lên 11,6%. Hiện chuỗi này sở hữu 800 cửa hàng tại Việt Nam trong đó nhiều nhất là tại TP. HCM với 268 quán, theo sau là Hà Nội với 181 quán. So với cuối năm 2022, số lượng cửa hàng của Highlands đã tăng thêm gần 200 điểm bán, cho thấy nỗ lực không ngừng trong việc mở rộng quy mô và phủ sóng thị trường. Thay vì tập trung vào việc đa dạng hóa thực đơn, Highlands chọn cách tăng cường độ nhận diện thương hiệu và mở rộng số lượng cửa hàng tại các vị trí đắc địa. Theo thống kê mới nhất từ Mibrand, Highlands Coffee đang là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam, minh chứng cho nỗ lực mở rộng quy mô và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của thương hiệu này.
Số lượng cửa hàng của những chuỗi cà phê nổi tiếng tính đến 15/6/2024 Nguồn: Vietdata
Phúc Long, một tên tuổi lâu đời khác, cũng không ngừng mở rộng và nâng thị phần từ 2% lên gần 4,4%. Hãng này hiện có khoảng 165 cửa hàng và 66 kiosk trải dài khắp cả nước, đồng thời hướng tới nhóm khách hàng cao cấp với các cửa hàng flagship sang trọng. Điển hình là Phúc Long Premium tại TP Thủ Đức, nơi khách hàng được trải nghiệm dịch vụ cao cấp với không gian rộng lớn và thực đơn đa dạng hơn. Giá cả tại các cửa hàng này cũng cao hơn so với các chi nhánh thông thường, nhắm vào nhóm khách hàng “chịu chi.”
Bên cạnh các tên tuổi lâu đời, Katinat đã nhanh chóng ghi dấu ấn với tốc độ mở rộng mạnh mẽ. Từ một chuỗi nhỏ với chỉ 10 cửa hàng tại TP.HCM vào cuối năm 2021, Katinat đã vươn lên với 73 cửa hàng tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, và Đồng Nai. Nhờ vào các chiến lược marketing bài bản và khả năng bắt trend nhanh nhạy, Katinat đã vượt qua The Coffee House về tần suất được nhắc tới trên mạng xã hội, theo báo cáo của YouNet Media.
>> Nữ hoàng cà phê Lê Hoàng Diệp Thảo: Mình chỉ có 1 cuộc đời này thôi, khoan hãy nghĩ rằng mình có kiếp này hay kiếp sau
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, một số chuỗi cà phê như Trung Nguyên đã mở rộng ra thế giới. Với gần 800 cửa hàng E-Coffee trên khắp Việt Nam và các chi nhánh tại Mỹ, Iceland, Trung Nguyên đang khẳng định vị thế toàn cầu của mình.
Trong khi đó, The Coffee House đang gặp khó khăn khi phải đóng cửa nhiều chi nhánh tại Cần Thơ và Đà Nẵng. Thương hiệu này đã thu hẹp quy mô từ 150 cửa hàng vào cuối năm 2023 xuống còn 115 cửa hàng vào tháng 8/2024. Đại diện của The Coffee House cho biết, việc thu hẹp quy mô nhằm tối ưu chi phí và cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Doanh thu của một số chuỗi cà phê. Nguồn: Vietdata
Bất chấp sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận của các chuỗi cà phê lớn có xu hướng thu hẹp trong năm 2023. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh khốc liệt và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Highlands Coffee, với doanh thu kỷ lục gần 4.000 tỷ đồng năm 2023, nắm giữ 12% thị phần, trong khi Phúc Long ghi nhận doanh thu 1.579 tỷ đồng và lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao đạt 195 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuỗi như The Coffee House và Phúc Long vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì lợi nhuận và mở rộng thị trường.
>> Cứ 200 người dân Việt Nam thì có 1 quán cà phê
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/thuong-hieu-nao-dang-so-huu-nhieu-quan-ca-phe-nhat-viet-nam-151912.html