Sở An toàn thực phẩm TPHCM vừa có báo cáo về giải quyết ý kiến của cử tri trên địa bàn TPHCM liên quan đến kiến nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng quảng cáo thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh đang tràn lan hiện nay.
Theo Sở An toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã thực hiện công tác rà soát, tổng hợp các nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang website và mạng xã hội với 5.760 sản phẩm. Trong đó, phát hiện 95 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm xác định được chủ thể vi phạm chuyển Thanh tra Sở xử lý, giám sát.
Các hành vi vi phạm gồm: quảng cáo sản phẩm có công dụng là thuốc chữa bệnh; thiếu khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Sở An toàn thực phẩm ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong đó, lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, đánh giá, kiểm tra chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc các nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân,…
Tuy nhiên, Sở An toàn thực phẩm cho rằng, trong quá trình rà soát, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo, có phát sinh một số vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn, đối với quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok), rất khó xác định được chủ thể (chủ tài khoản) thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; mạng xã hội có máy chủ đặt tại nước ngoài nên khó khăn trong việc yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các tài khoản vi phạm.
Đối với quảng cáo trên internet, trang thương mại điện tử thì gặp khó khăn trong việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là ai (cá nhân, tổ chức sở hữu sản phẩm, đơn vị phân phối, người sở hữu website, tên miền, diễn viên trong video quảng cáo).
Nhiều cơ sở thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không thừa nhận hoặc không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm.
Khi được mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời…
Trong thời gian tới, Sở An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó có các cơ sở thực phẩm bảo vệ sức khỏe, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm, rà soát việc thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và xử lý các trường hợp vi phạm.