Suốt 3 thập kỷ qua, người chơi game Tetris (hay còn được gọi là game “Xếp Hình” bởi game thủ Việt Nam) đều kết thúc màn chơi theo một cách duy nhất: các khối đa giác chạm đỉnh màn hình, và trò chơi kết thúc. Mọi sự vẫn thuận “lẽ tự nhiên” ấy cho đến ngày 21/12/2023 vừa qua, khi game thủ 13 tuổi Blue Scuti trở thành người đầu tiên chạm tới đỉnh cao chưa một ai chinh phục được.
Nhưng tại sao thành tựu của cậu game thủ trẻ tuổi lại khiến cả ngành game nói chung và cộng đồng Tetris nói riêng hào hứng đến vậy? Chúng ta phải quay ngược về năm 1989, khi game Tetris chính thức được đưa lên hệ máy Nintendo Entertainment System. Ấy là 5 năm sau khi Tetris sinh ra từ bộ óc kỳ tài của nhà khoa học người Nga, Alexey Pajitnov.
Khi “màn hình chết” chưa phải là hết
Trong tựa game Xếp Hình già cỗi, khái niệm “kill screen”, tạm dịch là “màn hình chết”, mô tả khoảnh khắc game thủ không thể tiếp tục chơi khi tốc độ các khối hình rơi quá nhanh. Mỗi lần “ăn” được 10 hàng, cấp độ game Tetris sẽ cao lên một bậc, tốc độ các khối đa giác dùng để xếp hình (gọi là các “tetromino”) sẽ rơi càng nhanh.
Game Tetris đạt tốc độ cao nhất tại cấp 29, và đại đa số các game thủ đương thời không thể thao tác đủ nhanh để chơi tiếp lên cấp 30. Kỹ thuật thường thấy (và nhanh nhất lúc ấy) là giữ nút trái/phải để tetromino di chuyển thật nhanh đã … không còn hiệu quả. Các miếng ghép liên tục chồng lên nhau và trò chơi kết thúc.
Tuy nhiên, trên các tựa game kinh điển, khái niệm “màn hình chết” mang một nghĩa khác. Hiểu theo nghĩa cổ điển và thông dụng nhất, “kill screen” mô tả khoảnh khắc mà tại đó, game không thể tiếp diễn vì lỗi lập trình. Ví dụ, “màn hình chết” của Pac-Man xảy ra tại cấp 256.
Tại cấp 29, game Tetris chưa đạt tới ngưỡng màn hình chết, chẳng qua game thủ chưa đủ trình độ để đưa game tới cấp độ cao hơn.
22 năm sau, Thor Aackerlund trở thành người đầu tiên đạt cấp độ 30 trong trò chơi Tetris. Để làm được điều vốn bị cho là bất khả thi, anh đã … rung ngón tay thật nhanh để nút trái/phải điều hướng các tetromino. Các chuyên gia trong trò Xếp Hình gọi đây là “hypertapping”.
Game Tetris không thể nhanh hơn sau cấp 29, vì vậy trên lý thuyết, kỹ năng hypertapping có thể giúp game thủ leo cao hơn nữa. Game thủ Aackerlund, lúc ấy đã 34 tuổi, lập kỷ lục thế giới vào năm 2011. Anh là người đầu tiên đưa Tetris lên tới cấp 30, và nắm giữ kỷ lục này suốt 7 năm liền.
Thành tựu của Aackerlund mở ra chân trời mới cho thế hệ trẻ. Vào ngày 24/9/2018, cậu chàng Joseph Saelee đã chính thức đả bại Thor Aackerlund và đưa Tetris lên cấp 31. Không dừng lại ở đó, Joseph Saelee sử dụng kỹ thuật hypertapping để tiếp tục đưa Tetris lên tới cấp 35, cho đến khi … một nhân tài có ngón tay nhanh hơn xuất hiện. Tới cuối năm 2023, game thủ EricICX đã đưa game tới được cấp 38.
Tuy nhiên, kỹ năng hypertapping có nhiều hạn chế, khi người chơi gần như không được mắc sai lầm và nỗ lực phá kỷ lục phải dựa nhiều vào may mắn – những mảnh tetromino hiện ra liên tục phải … dễ lắp chút đỉnh. Nỗ lực đi tìm giới hạn cần cộng đồng tìm ra được một kỹ thuật mới, và đó là lúc game thủ Cheez trở thành người đầu tiên sáng tạo ra “rolling”.
Cheez kết hợp hai cách sử dụng tay cầm (controller), là kỹ thuật vuốt nút bằng nhiều ngón tay do game thủ Hector “Fly” Rodriguez sáng tạo ra với kỹ thuật đẩy tay cầm từ dưới lên để bấm nút. Kỹ thuật rolling đã giúp người chơi Tetris bấm nút nhanh hơn nhiều so với hypertapping, và nó đã giúp hàng loạt game thủ leo bảng xếp hạng nhanh chóng.
Ngày 1/4/2022, 33 năm sau khi Tetris đổ bộ NES, game thủ EricICX trở thành người đầu tiên đưa game lên tới cấp 95. Những tưởng chỉ cần sử dụng rolling để xếp hình thật chính xác, cộng đồng Tetris có thể đưa game tới “màn hình chết”, nhưng một chướng ngại vật khác đang ẩn mình tại cấp … 138.
Giới hạn của công nghệ thập niên 80
Trong game Tetris bản NES, mỗi cấp độ từ 0 tới 9 tương ứng với một màu sắc, mỗi khi tới bàn “hàng chục”, quy luật màu sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên do giới hạn lập trình của năm 1986, tới cấp độ 138, màu của màn chơi không tuân theo quy luật này nữa, và có thể tạo ra màu tetromino rất khó nhìn. Nhưng phải tới khi kỹ thuật rolling xuất hiện, người chơi mới đủ trình độ để chạm tới giới hạn kỳ lạ này.
Ngày 17/8/2022, EricICX một lần nữa xuất hiện trên bảng xếp hạng khi đưa Tetris lên tới cấp 146 sau gần 40 phút chơi. Tại đây, một màn chơi đặc biệt tối màu đã hạ bệ chàng game thủ trẻ tuổi. Phải tới ngày 17/11/2023, game thủ PixelAndy mới đưa được Tetris lên tới cấp 148, nhưng lại gặp phải chướng ngại vật màu sắc: tại đây, game Tetris tối như màn đêm.
Những game thủ con người hàng đầu thế giới dường như bó tay trước thử thách, nên AI đã nhanh chóng nhập cuộc.
Bài toán lỗi năm 1986 giải bằng trí tuệ nhân tạo
Trong trường hợp đặc biệt này, máy móc không bị giới hạn bởi sắc tố khi vẫn có thể nhận biết các tetromino để đưa về vị trí thích hợp nhất. Hơn nữa, tốc độ xử lý, độ chính xác và sức bền của một cỗ máy có thể giúp AI phá đảo Tetris dễ dàng.
Greg Cannon, lập trình viên phần mềm tại Google, đã tạo ra StackRabbit – một hệ thống trí tuệ nhân tạo chuyên dùng để chơi Tetris ở cấp độ cao. Càng leo cao, StackRabbit càng phải đối mặt với những bug lạ, đặc biệt tại level 235, StackRabbit đã phải “ăn” 800 hàng để lên được cấp độ tiếp theo, thay vì 10 hàng như mặc định.
Bất ngờ xảy đến khi StackRabbit chạm tới cấp 237, game đột ngột dừng, hay thuật ngữ chuyên môn gọi là “crash”. Bằng trí tuệ nhân tạo, cuối cùng cộng đồng Tetris đã chứng kiến “màn hình chết” đích thực của tựa game kinh điển.
Theo YouTuber aGameScout giải thích một cách đơn giản, thì Tetris không được lập trình để vận hành tối ưu tại cấp độ cao, bởi lẽ lập trình viên đương thời không nghĩ game thủ có thể leo cao đến vậy. Ở cấp độ cao này, sẽ xảy ra trường hợp game không đọc lệnh từ ngôn ngữ lập trình mà lấy lệnh từ RAM nên có thể xảy ra hiện tượng crash. Trên máy NES, dữ liệu và ngôn ngữ lập trình đều được viết dưới dạng byte, nên game có thể nhầm lẫn và sinh ra lệnh “dừng game”.
Tuy nhiên, sự cố crash có thể xảy ra ở nhiều thời điểm, với nhiều điều kiện khác nhau, chẳng hạn như miếng tetromino đang hiển thị là gì, số hàng vừa ăn được là bao nhiêu, …
Để tìm câu trả lời, cộng đồng Tetris bàn luận sôi nổi suốt thời gian dài, và YouTuber HydrantDude đã tổng hợp được một link Google sheet liệt kê các trường hợp để hiện tượng crash có thể xảy ra, hay nói cách khác, anh tính tỷ lệ để màn hình chết đích thực xuất hiện.
Đã thấy được đỉnh và đã đủ công cụ, giờ là lúc tới đỉnh vinh quang
Theo tính toán của HydrantDude, thì trường hợp crash xảy ra sớm nhất tại cấp 155, khi game thủ ăn một hàng duy nhất. Người đứng đầu bảng xếp hạng lúc ấy là PixelAndy tại cấp 148, vậy là kỷ lục thế giới không còn cách màn hình chết đích thực quá xa! Bằng kỹ thuật rolling, bằng sức bền để ngồi chơi ít nhất 40 phút, một chút tinh tường để vượt qua hai màn chơi tối màu, game thủ sẽ có thể chinh phục được Tetris.
Tại chung kết giải Classic Tetris World Championship 2023, khi game thủ Fractal chính thức trở thành nhà vô địch thế giới bộ môn Xếp Hình, cậu quyết định livestream hàng ngày nhằm tới được màn hình chết đích thực. Nhưng ngay trong ngày livestream đầu tiên của Fractal, Blue Scuti chính thức tạo nên kỳ tích mới.
Cậu game thủ trẻ tuổi trở thành người đầu tiên vượt qua hai màn chơi tối màu để lên được tới cấp 153, chỉ cần đúng 18 hàng nữa là tới được mục tiêu! Blue Scuti đạt được kỷ lục mới vào ngày 19/12/2023, và tiếp tục cạnh tranh với Fractal trong cuộc đua đưa Tetris tới màn hình chết đích thực.
Ngày 21/12/2023, Blue Scuti chính thức đánh bại Tetris với một lộ trình không hề đơn giản. Tại cấp độ 155, cậu đã lỡ ăn liên tục 3 hàng, qua đó bỏ qua cơ hội 100% làm Tetris crash. Blue Scuti phải chơi tiếp, không biết chuyện gì có thể xảy ra, và rồi màn hình chết đích thực lộ diện.
Tại cấp độ 157, sau khi ăn thành công 1511 hàng, Blue Scuti đã “phá đảo” Tetris.
Khoảnh khắc Blue Scuti trở thành game thủ đầu tiên đánh bại Tetris.
Mục tiêu tối thượng: màn hình hồi sinh
Sau thành công của Blue Scuti, game thủ Tetris toàn cầu lập tức đặt ra thêm nhiều mục tiêu mới để chinh phục: làm thế nào để tới được màn hình chết đích thực nhanh nhất, đạt số điểm cao nhất có thể trước khi Tetris crash, …
Và những người chơi giỏi nhất, tham vọng nhất đặt ra câu hỏi cuối cùng, làm thế nào để chơi tiếp mà Tetris không bị crash. Hóa ra, câu hỏi này có đáp án: để không chạm tới màn hình chết đích thực, người chơi phải khéo léo đi tới màn cuối cùng, cấp 255.
Bằng công cụ hỗ trợ, cộng đồng Tetris đã tùy biến game, tạo ra một phiên bản “mẫu” mà tại đó, không hành động nào có thể khiến Tetris crash. Thay vì game hạ bệ người chơi, hay người chơi tìm cách đưa game tới “màn hình chết”, tại thế giới giả tưởng kia người chơi phải song hành với Tetris để tới được mốc cuối cùng.
Tại đây, màu của tetromino chỉ còn lại sắc đỏ, và Tetris bất ổn định đến mức một lỗi nhỏ cũng có thể khiến game crash. Và điều gì xảy ra khi người chơi có thể vượt qua cấp 255? Tetris sẽ trở về cấp độ 0, nơi game có tốc độ chậm nhất và màu sắc trở về trạng thái mặc định.
Nếu một ngày có một người chơi thực sự làm được điều đó, ấy sẽ là thời điểm mà thành tựu cuối cùng của Tetris thành hình: game thủ song hành với Tetris hoàn thành một vòng lặp, một bước gần hơn tới tiến tới bất tận.
Nguồn tin: https://genk.vn/game-thu-13-tuoi-lap-ky-luc-the-gioi-tro-thanh-nguoi-dau-tien-pha-dao-xep-hinh-20240105130321923.chn