Phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các bên liên quan đang diễn ra tại TAND Cấp cao TP. HCM. Tâm điểm chú ý là phương án bồi thường thiệt hại trong vụ án, với nhiều tình tiết mới xuất hiện.
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan và luật sư đã đề cập đến các khoản vay lớn mà bà cho rằng mình “không liên quan” nhưng vẫn bị tính vào tổng số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt.
Theo bà Lan, khi tham gia tái cơ cấu SCB, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra các khoản vay trước đó, bao gồm khoản vay lớn từ các doanh nghiệp như Phương Trang, Tân Thuận…, với tổng giá trị hơn 125.000 tỷ đồng. Do đó, bà cho rằng không thể quy trách nhiệm những khoản vay này cho mình. HĐXX đã yêu cầu SCB làm rõ vấn đề này trong phần tranh luận tiếp theo.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư trình công thức tính khiến SCB ‘không còn tiền’ để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt
Đề án hợp nhất 3 ngân hàng có thông tin gì?
Tháng 12/2011, ba ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất thực hiện những bước cuối cùng để hợp nhất, trong đó có việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua đề án hợp nhất.
Trong đề án hợp nhất, tính hình tài chính của các ngân hàng được ‘chốt’ tạm đến thời điểm 30/9/2011, ghi nhận:
- Ngân hàng SCB: Giá trị sổ sách đạt 10.962 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản 77.581 tỷ đồng, vốn điều lệ 4.184 tỷ đồng. SCB có 118 chi nhánh và 2.096 nhân sự.
- Ngân hàng Tín Nghĩa: Giá trị sổ sách đạt 11.827 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản 58.939 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.399 tỷ đồng. Tín Nghĩa 82 chi nhánh và 1.146 nhân sự.
- Ngân hàng Đệ Nhất: Giá trị sổ sách đạt 10.648 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản 17.105 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Đệ Nhất có 27 chi nhánh và 519 nhân sự.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Trong 658 mã tài sản kê biên ‘không thế chấp’ có 2 lô đất lớn của địa ốc Minh Dương
Như vậy, tổng dư nợ cho vay khách hàng tại ba ngân hàng ở thời điểm 30/9/2011 là hơn 70.100 tỷ đồng, trong khi tổng số dư huy động khách hàng đạt 84.481 tỷ đồng. Nhìn con số này cũng có thể thấy, số 125.000 tỷ đồng mà bà Trương Mỹ Lan đề cập không xuất hiện trong đề án sáp nhập của 3 ngân hàng.
Sau khi hợp nhất, SCB mới có vốn điều lệ hơn 10.583 tỷ đồng, kế thừa toàn bộ hoạt động kinh doanh của ba ngân hàng.
Trong kế hoạch kinh doanh được xây dựng, SCB mới dự kiến lợi nhuận sẽ giảm xuống 667 tỷ đồng trong năm đầu tiên (2012), nhưng tăng nhanh chóng trong những năm tiếp theo, đạt 1.865 tỷ đồng vào năm 2014. Ngân hàng SCB mới cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng.
Thực tế kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng trước hợp nhất
Trước thời điểm hợp nhất, cả 3 ngân hàng đều kinh doanh có lãi, tuy vậy, có những ngân hàng ‘tăng tốc’ trước khi hợp nhất, cũng có những ngân hàng kết quả kinh doanh ‘đi lùi’.
- Ngân hàng Đệ Nhất: Có kết quả kinh doanh kém nhất, lãi sau thuế năm 2007 đạt 58 tỷ đồng, tăng lên 108 tỷ đồng vào năm 2010.
- Ngân hàng Tín Nghĩa: Lợi nhuận tăng vọt, từ 17 tỷ đồng (2008) lên 386 tỷ đồng (2010).
- Ngân hàng SCB: Lợi nhuận sụt giảm từ 464 tỷ đồng (2008) xuống còn 278 tỷ đồng (2010).
SCB mới sau hợp nhất không có nhiều đột phá trong kinh doanh. Số liệu ghi nhận, đến năm 2019, lợi nhuận của SCB vẫn duy trì ở mức 220-230 tỷ đồng.
Lợi nhuận của SCB chỉ tăng đột biến vào năm 2020 và năm 2021 và nửa đầu năm 2022 trước khi vụ án bị khởi tố.
>> SCB kinh doanh ra sao trước khi dính vụ khởi tố cùng với Vạn Thịnh Phát
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/vu-van-thinh-phat-ba-truong-my-lan-noi-scb-co-du-no-cho-vay-125-000-ty-truoc-hop-nhat-kqkd-3-ngan-hang-ra-sao-178746.html